Ủng hộ chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn

(PLO) - Tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) hôm qua (10/9), đa số các ý kiến đồng tình với việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân, bỏ tử hình một số tội, bổ sung một số tội danh mới... và đặc biệt là quy định chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn. 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng tham dự Hội nghị.
Xử lý hình sự với pháp nhân: chỉ nên áp dụng một số tội đặc thù
Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng việc quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Ông Huyên chỉ rõ, nhiều hành vi của pháp nhân trong thời gian qua rất nguy hiểm cho xã hội, tuy nhiên chế tài xử lý hành chính hiện nay không hiệu quả. Người dân chịu thiệt hại phải đóng án phí, rồi chứng minh hành vi vi phạm rất khó khăn, do đó dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. 
Ông Huyên đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ và bổ sung một số tiêu chí như tính nguy hiểm, tính phổ biến, tính khả thi… để chứng minh quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân là phù hợp. Việc xử lý hình sự với pháp nhân nên áp dụng cho 32 tội, trong đó có một số tội rất điển hình mà nếu không xử lý pháp nhân sẽ vi phạm như tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ  hay tội không chấp hành án.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Hữu Huyên cũng đồng tình phải xử lý hình sự đối với pháp nhân, tuy nhiên ông Huyên cho rằng áp dụng với tội nào thì phải tùy theo đặc thù của từng nước. “Ở nhiều nước, việc xử lý TNHS với pháp nhân đã được áp dụng từ lâu nhưng ở nước ta thì còn rất mới, do đó chỉ nên lựa chọn một số tội đặc thù”, ông Huyên đề xuất.
Đại diện Cục Bồi thường nhà nước thì cho rằng, quy định như Dự thảo mới chỉ giải quyết phần “ngọn”. “Đơn cử như một công ty hội đồng quản trị có mười người, 9 người ủng hộ vi phạm. Vi phạm diễn ra, cơ quan chức năng đình chỉ, rút giấy phép, thậm chí xóa bỏ pháp nhân thì cũng không xử lý được phần gốc, đó chính là những người vi phạm. Thực tế, nhiều công ty lập ra, chấp nhận vi phạm, thu lợi nhuận rồi giải tán, mai lại lập công ty mới”, đại diện này chỉ rõ.
Chuyển tiền thành tù: đảm bảo tính răn đe
Liên quan đến quy định chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn, nhiều ý kiến tán thành vì quá trình tổng kết thực tiễn hơn 14 năm thi hành Bộ luật Hình sự cho thấy hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ tính khả thi không cao, hiệu quả kém, vì thế đã phần nào làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, cần thiết bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt này.
Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Văn Đạt cho rằng đây là xu hướng mới rất nên ủng hộ. Tuy nhiên, ông Đạt mạnh dạn đề nghị áp dụng cả quy định ngược lại là chuyển tù thành tiền và chỉ lựa chọn một số tội danh có tính chất điển hình. “Ta không nên nặng nề quá quan niệm cứ có tiền là “mua” được tính mạng hay giảm án”, ông Đạt nói.
Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Văn Huyên phân tích thêm: Trong bối cảnh mà hiệu quả hình phạt cải tạo không giam giữ và phạt tiền tính khả thi không cao, không được tòa án áp dụng thì cần thiết phải có một biện pháp khác để đảm bảo tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật. Việc chuyển phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp.
Liên quan đến quy định bỏ tử hình với một số tội danh, tại hội nghị, đa số đại biểu đồng tình với các tội danh được đề xuất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị xem xét một số tội dù thực tế chưa xử vụ nào nhưng vẫn không nên bỏ tử hình để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Một số ý kiến cũng đề nghị không nên bỏ tử hình với người từ 70 tuổi trở lên vì nếu bỏ sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Có thể xem xét nâng độ tuổi lên 80 để phù hợp với Luật Người cao tuổi.

Đọc thêm