Ưu thế của mô hình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư

(PLVN) -Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc áp dụng mô hình đào tạo chung ba chức danh dành cho thí sinh tự do là giải pháp cần thiết và khả thi, nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực pháp luật tiên tiến cho hệ thống tư pháp trên cả nước.
Khai giảng  Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khoá 4 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Khai giảng Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khoá 4 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Mục tiêu chung của hoạt động tư pháp là thực thi pháp luật, bảo vệ pháp chế, quyền lợi của Nhà nước, các tổ chức và công dân; góp phần ổn định và phát triển xã hội. Khi thực hiện mục tiêu đó, các cơ quan tư pháp và các chức danh tư pháp luôn có mối quan hệ phối hợp với nhau. Trong hoạt động xét xử, mỗi chức danh tư pháp thực hiện các hoạt động tố tụng khác nhau song lại có mối quan hệ với nhau. Hoạt động nghề nghiệp của các chức danh tư pháp không riêng biệt, độc lập mà luôn có mối liên hệ mật thiết, gắn bó với nhau tạo thành một thể thống nhất trong khuôn khổ thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực tư pháp. Sự tương đồng về đặc thù nghề nghiệp của các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư được thể hiện ở một số điểm như:

- Pháp luật là chuẩn mực, là nội dung và phương tiện hoạt động của các chức danh tư pháp. 

- Tính chuyên môn, nghiệp vụ cao trong hoạt động của các chức danh tư pháp. 

- Tính độc lập và chế độ trách nhiệm cá nhân cao của các chức danh tư pháp. 

- Các chức danh tư pháp phải tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp nghiêm khắc. 

Học viên Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khoá 4 lần 2 tại Hà Nội đi thực tế
Học viên Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khoá 4 lần 2 tại Hà Nội đi thực tế 

Những điểm tương đồng về đặc thù nghề nghiệp và mối quan hệ nghề nghiệp giữa Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư là cơ sở cho việc xây dựng mô hình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Việc xây dựng chương trình đào tạo chung ba chức danh dành cho những người chưa hoạt động trong cơ quan tư pháp hoặc bổ trợ tự pháp theo cùng một xuất phát điểm và trên cùng mặt bằng về nhận thức chính trị, xã hội, đạo đức nghề nghiệp cũng như kiến thức chuyên môn nghiệp vụ pháp luật là hoàn toàn cần thiết và phù hợp. So với đào tạo riêng từng chức danh, mô hình đào tạo chung ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư mang lại những lợi ích thiết thực như sau: 

Thứ nhất, bảo đảm được sự tương đồng về đặc thù nghề nghiệp của các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Về bản chất, cả ba nghề nghiệp này vốn là gắn với số phận con người (hiểu theo nghĩa làm thay đổi vận mệnh hoặc thậm chí tước đi tính mạng, tài sản của con người). Với ba nghề nghiệp nêu trên, nhìn nhận ở phương diện bảo vệ quyền con người cơ bản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, sẽ không thể “cân, đong, đo, đếm” xem nghề nào trong ba nghề đó ít quan trọng hơn với số phận một con người khi đang có vấn đề liên quan đến pháp luật. 

Thứ hai, đào tạo chung ba chức danh nhằm tăng cường năng lực thực thi cải cách tố tụng tại tòa án của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Các Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đều khẳng định, yêu cầu mang tính đột phá trong hoạt động tư pháp là “mở rộng tranh tụng tại phiên tòa”. Vấn đề cải cách thủ tục tố tụng hiện hành của hệ thống tòa án Việt Nam (thủ tục xét hỏi) theo hướng tăng cường và mở rộng tranh tụng có mối liên hệ trực tiếp với thực tiễn và chất lượng hành nghề của Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư. Xem xét trên phương diện khoa học thì đối với đào tạo nghề luật, sẽ không gì tốt bằng ngay từ khi còn trong quá trình học tập tại cơ sở đào tạo, học viên các khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử, kiểm sát, luật sư đã có môi trường tập trung của cả ba chức danh để rèn luyện và đúc rút kinh nghiệm từ hoạt động thực hành nghề nghiệp chung, có tác dụng vận dụng một cách thiết thực vào thực tiễn hành nghề sau này. Ngoài ra, việc được trang bị kỹ năng tranh tụng và tổ chức, điều khiển tranh luận trong các khóa đào tạo chung ba chức danh có ý nghĩa tạo tư duy mới, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp cho thế hệ các chức danh tư pháp thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hoạt động tư pháp của những đội ngũ này với các nước cùng khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.  Đối với một người được đào tạo đồng thời cả ba chuyên môn, nghiệp vụ tư pháp như vậy thì khi tham gia giải quyết một vụ án cụ thể, việc tiếp cận và giải quyết vấn đề đối với họ sẽ trở nên đa chiều, có sự so sánh, đối chiếu, sàng lọc và luận giải một cách thấu đáo. Giải quyết vấn đề theo cách tổng thể như vậy có tác dụng giúp người hành nghề Luật sư tránh được những sai sót mà nếu chỉ từ vị trí nghề nghiệp của mình, chưa chắc họ đã nhận thấy hoặc xử lý kịp thời.

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển, sử dụng cán bộ. Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cán bộ công chức làm công tác pháp luật… Đổi mới công tác đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu sử dụng, luân chuyển các chức danh tư pháp”. Mô hình đào tạo riêng hiện tại không đáp ứng được việc thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ và mở rộng nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp, nhất là giữa hai chức danh Thẩm phán và Kiểm sát viên. Theo Luật Tổ chức tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, một trong những điều kiện cần để bổ nhiệm chức danh Thẩm phán hoặc Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm phải có Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử hoặc Kiểm sát. Vì thế, nếu để thực hiện mở rộng nguồn bổ nhiệm các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên thì người được bổ nhiệm không thuộc ngành mà mình đang công tác lại buộc lại phải tiếp tục trải qua các khóa đào tạo nghiệp vụ về chức danh mà họ muốn được bổ nhiệm. Như vậy, để đáp ứng yêu cầu luân chuyển, mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư thì sẽ tốn kém rất nhiều về thời gian và kinh phí đào tạo.

Với những ưu thế nêu trên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc áp dụng mô hình đào tạo chung ba chức danh dành cho thí sinh tự do là giải pháp cần thiết và khả thi, nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực pháp luật tiên tiến cho hệ thống tư pháp trên cả nước. Thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, trong đó nhiệm vụ triển khai thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư,  Học viện Tư pháp đã xây dựng chương trình và triển khai đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Tới thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã triển khai đào tạo được 04 khóa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và đã nhận được những phản hồi tích cực từ người học, người sử dụng lao động và toàn xã hội. 

Học viện Tư pháp đang tuyển sinh lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư khóa 5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thời hạn nộp hồ sơ: từ ngày 02/3/2021 đến ngày 07/5/2021. Chi tiết xem tại: http://hocvientuphap.edu.vn/daotao/Pages/thong-bao-tuyen-sinh.aspx?ItemID=1586

Đọc thêm