Ưu tiên nguồn lực cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số B1

(PLVN) -Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực chủ động, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1). 
Ưu tiên nguồn lực cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số B1

Đề xuất nhiều nội dung về hoàn thiện pháp luật 

Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ có liên quan đến chỉ số B1, Bộ Tư pháp đã có nhiều công văn chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số B1. Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các phóng sự liên quan đến chỉ số B1. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công các Hội nghị về “Cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong quý III/2020 nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với hoạt động này.

Trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả hoạt động thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát việc ban hành quy định thủ tục hành chính thông qua công tác thẩm định quy định thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước để phát hiện, xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, nhất là các văn bản, quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Đặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Bộ Tư pháp phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát các quy định pháp luật, trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất nhiều nội dung về hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật, từ giải pháp ưu tiên thực hiện ngay đến những giải pháp mang tính lâu dài, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở cho sản xuất kinh doanh như: tăng cường tiếp cận tín dụng; miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ, gia hạn nợ; miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với nhà nước... 

Góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

Về phía các bộ, ngành và địa phương, cơ bản đã quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Trong đó có tổ chức rà soát, đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành và địa phương; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, cộng đồng doanh nghiệp; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật cho cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sử dụng, khai thác các tiện ích của công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính vẫn chưa được thực hiện triệt để; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả cao; hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước tại một số địa phương vẫn còn chồng chéo...

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật trong năm 2020, ưu tiên nguồn lực cho việc tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số B1, từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chức năng của Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thường xuyên thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không rõ ràng, không cụ thể; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. .. 

Đọc thêm