Văn bản được ban hành đa số không bảo đảm yêu cầu về thời điểm có hiệu lực

(PLO) - Bộ Tư pháp vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quý III/2014, nhiệm vụ quý IV/2014. 
Ngoài việc không đảm bảo yêu cầu về thời điểm có hiệu lực, một số văn bản đưa ra không phù hợp như quy định thịt bán trong 8 giờ. Ảnh minh họa
Ngoài việc không đảm bảo yêu cầu về thời điểm có hiệu lực, một số văn bản đưa ra không phù hợp như quy định thịt bán trong 8 giờ. Ảnh minh họa
Báo cáo cho biết, trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, kết quả rà soát của Bộ Tư pháp, trong quý III/2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 162 văn bản. 
Kết quả tính từ ngày 26/6/2014 đến ngày 25/9/2014, đối với 62 văn bản quy định chi tiết 25 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành  được 28 văn bản (11 nghị định, 03 quyết định, 14 thông tư), giải quyết được 28/62 văn bản nợ, đạt 45,16%. Số nợ chưa ban hành là 34/62 văn bản (13 nghị định, 02 quyết định, 16 thông tư, 03 thông tư liên tịch), chiếm 54,84%. 
Đối với 100 văn bản quy định chi tiết 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã và đang tích cực nghiên cứu, xây dựng để ban hành bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật. Kết quả, đã ban hành được 01 thông tư, số còn lại vẫn trong thời hạn soạn thảo, ban hành.
Như vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, tình trạng nợ văn bản vẫn còn tồn tại với số lượng lớn; đa số văn bản được ban hành không bảo đảm yêu cầu có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh; công tác rà soát, lập dự kiến Danh mục văn bản quy định chi tiết còn chậm, nhất là đối với thông tư và thông tư liên tịch. 
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, nguyên nhân chủ yếu là do các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản, nhiều nội dung giao quy định chi tiết là khó, phức tạp, còn ý kiến khác nhau hoặc liên quan đến các văn bản khác đang sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng phải tập trung soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu triển khai Hiến pháp năm 2013. 
Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong quý IV/2014, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh là rất nặng nề. Bên cạnh việc phải xây dựng, ban hành 34 văn bản nợ chưa ban hành thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn phải nghiên cứu xây dựng, ban hành số lượng lớn văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2015  với số lượng lên tới 99 văn bản. 
Về tình hình kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, trong quý III/2014 (từ ngày 22/6/2014 đến ngày 22/9/2014), Bộ Tư pháp đã kiểm tra 579 văn bản (163 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ và 416 văn bản của địa phương). Qua kiểm tra, bước đầu Bộ Tư pháp đã phát hiện 177 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP. Trong đó có 07 văn bản sai nội dung, 24 văn bản sai về hiệu lực, 146 văn bản sai về thể thức, căn cứ pháp lý. Trong số 07 văn bản có dấu hiệu sai về nội dung, có 02 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; 05 văn bản của địa phương. 
Từ kết quả kiểm tra, Bộ Tư pháp đã ra Thông báo yêu cầu xử lý đối với 15 văn bản (gồm 04 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ và 11 văn bản của địa phương) đã phát hiện sai về nội dung, đồng thời tổ chức làm việc với các Bộ, ngành có liên quan để yêu cầu xử lý đối với 03 văn bản sai về thẩm quyền. Kết quả đã có 01 văn bản được xử lý, 02 văn bản khác đã được cơ quan ban hành thống nhất hướng xử lý trong thời gian tới.  

Đọc thêm