Văn hóa pháp lý cao nhất là hành xử đúng pháp luật

(PLO) - Mới đây, dư luận xôn xao về một vụ Bí thư kiêm Chủ tịch xã ở Thanh Hóa bị bắt tạm giam 2 tháng vì nhắn tin nói xấu Bí thư Huyện ủy. Trước sự việc một cán bộ không có điều tiếng gì, Huyện ủy viên, từng giữ chức vụ Bí thư Đoàn, Trưởng phòng Tư pháp, tốt nghiệp Đại học luật chính quy, dư luận đặt câu hỏi, tại sao một người như vậy lại bị bắt vì cái tội chẳng đáng có như vậy?
Bí thư xã bị bắt ở Thanh Hóa. Ảnh: Người đưa tin
Bí thư xã bị bắt ở Thanh Hóa. Ảnh: Người đưa tin

Các chuyên gia pháp lý vào cuộc và phân tích, tất nhiên cũng chỉ dựa trên những thông tin báo chí, bởi chưa rõ tin nhắn xấu đó có nội dung gì, mức độ phát tán ra sao, gây ra sự nguy hiểm cho xã hội đến mức nào, nên cũng chỉ có những nhận xét chung chung là xử lý có phần vội vã và “chưa đến mức phải như vậy”.

Về phía các cơ quan thực thi pháp luật ở Thanh Hóa cho báo chí biết, họ đã làm đúng pháp luật trong trường hợp này, tuy nhiên, lý do bắt mà họ đưa ra như “nghe sắp bán nhà, ly dị vợ” để trốn có vẻ kém phần thuyết phục bởi pháp luật phải dựa trên cái đã diễn ra chứ không xử lý “thì tương lai”, trừ những trường hợp khẩn cấp, buộc có những biện pháp ngăn chặn. Nếu chỉ vì nhắn tin nói xấu một người mà bị khai trừ Đảng, đình chỉ công tác, bắt tạm giam trong khi đang là thành viên của Hội đồng nhân dân huyện thì xem ra số phận pháp lý của một cán bộ lãnh đạo địa phương mong manh quá!

Ở một vụ án khác, đầu tuần qua, Báo Pháp luật Việt Nam đưa tin về một quyết định đình chỉ vụ án của Công an quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) với lý do “bị can là đối tượng khuyết tật nặng”. Người đàn bà bị can này là một tiểu thương ở Huế, nghe lời bạn vào TP Hồ Chí Minh rồi xảy ra mâu thuẫn trong thuê nhà. Bà đã bị gài bẫy để sa vào cái tội “chống người thi hành công vụ”, đã bị án sơ thẩm phạt tù 12 tháng án treo, cấp phúc thẩm nhận thấy nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ nên hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại.

Bất ngờ, trong một đêm, rất đông cảnh sát và phương tiện ập đến nơi bà ở tại Huế, bắt bà đưa vào TP Hồ Chí Minh cứ như bà là tội phạm đặc biệt nguy hiểm trốn truy nã. Vụ này, các luật sư tích cực vào cuộc giúp đỡ bà, báo chí lên tiếng, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng có ý kiến và kết cục của chuyện dùng quyền lực hành hạ một người đàn bà vô tội đã chấm dứt bằng một quyết định đình chỉ vụ án mà ngay trong đó đã thấy buồn cười: Lý do đình chỉ là bị can là người khuyết tật nặng mà trước đó buộc người ta vào tội “chống người thi hành công vụ”!

Thực ra, bà ta phản ứng tự vệ khi anh công an mặc thường phục đứng sau cướp cái biên bản bà đang phô tô mà cắn vào tay anh ta trong khi 3 cái răng cửa của bà là răng giả. Thế mà người ta cũng khép tội bằng được.

Pháp luật không thể bị bẻ cong hoặc phục vụ cho mục đích riêng tư của ai đó. Điều này không chỉ trên lý thuyết mà thể hiện trong cách hành xử của những người thực thi pháp luật. Văn hóa pháp lý với biểu hiện cao nhất là tinh thần thượng tôn pháp luật, chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền chính là từ những vụ án nhỏ, lẻ tẻ thế này phải dựa trên những căn cứ pháp luật, “thổi” tinh thần pháp luật vào mỗi người dân.

Tỷ như người đàn bà tiểu thương khuyết tật nặng kia, dù chỉ kết tội nhẹ cho qua thì bà ta vẫn không chịu, đơn giản bà ta ý thức rõ mình vô tội. Với những người như thế, ai đó muốn “bẻ cong” pháp luật, hoặc biến pháp luật thành công cụ phục vụ ý đồ của mình sẽ đều thất bại!

Đọc thêm