Về với “vùng trũng” pháp luật

(PLO) - Khi gia nhập “ngôi nhà” Pháp luật Việt Nam thân thương, mỗi thành viên không chỉ ý thức rằng mình là một người cầm bút viết báo mà phải ý thức được rằng việc đem kiến thức pháp luật đến với người dân, đặc biệt bà con vùng sâu, vùng xa là một trách nhiệm nặng nề. Những người làm báo Pháp luật Việt Nam ở phía Nam không là ngoại lệ…
Bà con nghèo luôn trông chờ những chuyến trợ giúp của Báo Pháp luật Việt Nam.
Bà con nghèo luôn trông chờ những chuyến trợ giúp của Báo Pháp luật Việt Nam.

Trên những hành trình trợ giúp pháp luật miễn phí, những cuộc tặng nhà tình nghĩa cho cán bộ tư pháp hay hoạt động thiện nguyện, mỗi một thành viên tham gia càng ý thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, về sứ mệnh của nghề...

Với rất nhiều người, kiến thức pháp luật vẫn còn là một điều gì đó mông lung, mơ hồ. Nhưng với những người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi thì chỉ có thể dùng đến từ “đói” kiến thức pháp luật, bên cạnh cái nghèo về vật chất, miếng cơm manh áo. Đó chính là lý do của những chuyến trợ giúp pháp lý thường xuyên mà cơ quan đại diện Báo Pháp luật Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức trong nhiều năm qua đến với những vùng đất còn nghèo, lạc hậu từ Tây Nguyên như sóc Bombo (Bình Phước), buôn Đắk Hà (Đắk Nông) đến miền Tây như Mũi Cà Mau, thị trấn Ngã Năm ở Sóc Trăng hay miền Đông gian lao mà anh dũng như 2 xã biên giới nghèo nhất tỉnh Tây Ninh, một huyện nghèo ở Bình Dương... 
Mỗi một chuyến đi là một lần những cán bộ, phóng viên của Báo góp phần lấp đầy “vùng trũng” về pháp luật, cái nghèo đói về miếng ăn, cái buồn tẻ về tinh thần...
Những việc làm hay không bao giờ đơn độc. Đồng hành cùng đoàn trợ giúp pháp lý của Báo Pháp luật Việt Nam có rất nhiều người ở nhiều cương vị khác nhau. Trong chuyến đi trợ giúp pháp lý hai ngày ở Đắk Nông, chúng tôi còn nhớ mãi những người tình nguyện trong đoàn thuộc Công ty Massaco. Họ đã cùng đoàn băng qua quãng đường dài, có lúc xe bị sa lầy giữa đường để vào một buôn làng hẻo lánh, phát quà cho dân, rồi ngủ ngay trong những căn lớp học xập xệ, mặc gió sương. 
Cũng trong chuyến đi ấy, nghệ sĩ quá cố Y Moan và người em Y Zac đã “cháy” hết mình trong đêm diễn miễn phí cho đồng bào, mà sân khấu chỉ được dựng tạm bợ và ánh sáng biểu diễn duy nhất là ngọn lửa bập bùng từ củi khô, nhưng cũng đủ soi tỏ những gương mặt nghèo túng sáng rỡ lên trong những phút hạnh phúc hiếm hoi.

Rồi chuyến về Tây Ninh với những luật sư tình nguyện do Báo mời, vừa trợ giúp pháp lý một cách rất tận tình, vừa cùng với đoàn thồ hàng, khuân vác 200 phần quà gồm sách vở, gạo, bánh kẹo và quần áo đến với người nghèo.

Chúng tôi cũng chưa quên lần đi tư vấn pháp luật ở Cà Mau. Đã quá giờ trưa vẫn còn một anh thanh niên hối hả bơi xuồng đến. Anh kể, khi biết được thông tin từ Đài phát thanh có đoàn tư vấn pháp luật xuống địa phương, anh đã chèo xuồng cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. 
Câu hỏi của anh thật đơn giản: thủ tục làm khai sinh cho em của mình đến trường. Khoảnh khắc ấy, ai cũng xúc động và càng thấu hiểu hơn sự khó khăn, thiếu thốn và bất tiện của người dân khi thiếu kiến thức pháp luật và sự cần thiết của những chuyến đi như thế.
Để bà con khỏi thất vọng, để chuyến đi đong đấy ý nghĩa, mỗi một chuyến đi đều được đoàn chuẩn bị rất kĩ càng từ việc lên kế hoạch để mỗi vùng sẽ có nội dung và cách thức tư vấn pháp luật thích hợp: Ở Đắk Nông thì mời Trường Cao đẳng Sân khấu TP.HCM viết kịch bản về tảo hôn, bảo vệ rừng để diễn cho bà con xem; ở Cà Mau thì Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật đất đai... Ngoài ra, quan trọng không kém là đi vận động người tài trợ quà cho dân, là kêu gọi tình nguyện viên là các luật gia, luật sư giúp sức...
Luật sư Thiệu Ánh Dương tư vấn pháp lý cho người dân.
Luật sư Thiệu Ánh Dương tư vấn pháp lý cho người dân. 
Đi trợ giúp pháp lý không phải là những chuyến đi công tác thông thường. Điểm đến là những vùng biên giới, miền heo hút mà để đến được, có khi phải qua những vũng lầy, sông suối, hay lênh đênh trên ghe thuyền của dân địa phương. Chốn nghỉ ngơi cũng không phải là những nhà nghỉ tươm tất mà đôi khi tạm bợ, gió sương. Nhưng mỗi chuyến đi đều để lại những kỉ niệm rất sâu sắc, những nụ cười, những lời cảm ơn của người dân nghèo đọng mãi trong lòng những người tham gia. 
Mỗi chuyến đi còn là dịp đi “thực tế” xuống cơ sở, kết hợp với các Sở Tư pháp tìm những xã nghèo, vùng sâu, vùng xa để thống nhất chọn điểm tư vấn. Và cũng qua đó để người làm báo Pháp luật Việt Nam tìm hiểu nhu cầu kiến thức của người dân mỗi vùng miền, cách xử lý những tình huống pháp luật trên thực tế. 
Tính đến nay, Cơ quan đại diện báo Pháp luật Việt Nam tại TP.HCM đã mời được các doanh nghiệp như Masasco, Intresco cùng đồng hành, xây được 5 căn nhà tình nghĩa, mời được Bệnh viện Đại học Y dược thành phố khám chữa bệnh và phát thuốc niễn phí cho dân.

Mỗi chuyến đi là một hành trình truyền lửa. Đó không chỉ là ngọn lửa ấm trao cho mỗi người dân vùng sâu, vùng xa mà từ trong tâm hồn mỗi người làm báo, mỗi tình nguyện viên đã được thắp lên một ngọn lửa nhiệt huyết để thêm yêu nghề, và nhận thức sâu sắc hơn về sứ mệnh xoá đói nghèo lạc hậu, xoá mù pháp luật cho dân.

Đọc thêm