Vì sao cần tiến hành sửa đổi Bộ luật Dân sự?

(PLO) - Bộ luật Dân sự 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, thành tựu của Bộ luật Dân sự 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 
BLDS ghi nhận sự bình đẳng giữa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Ảnh: MH
BLDS ghi nhận sự bình đẳng giữa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Ảnh: MH
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ luật Dân sự  hiện hành đã bộc lộ  không ít hạn chế, bất cập. 
Nhiều tác động tích cực được ghi nhận
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, sau 8 năm thi hành, BLDS hiện hành đã có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động (gọi là quan hệ tư). 
Cụ thể, BLDS đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua việc ghi nhận sự tồn tại của  nhiều hình thức sở hữu trong nền kinh tế nước ta, sự đa dạng và đồng bộ của các  biện pháp bảo vệ quyền sở hữu; hoàn thiện thêm một bước các quy định về quyền của người không phải là chủ sở hữu; ghi nhận sự bình đẳng giữa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. 
BLDS cũng đã góp phần thúc đẩy sự hình thành, phát triển của quan hệ thị trường thông qua việc ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng; hạn chế sự can thiệp quá mức của cơ quan công quyền vào quá trình hình thành, tồn tại và vận động của các quan hệ hàng hóa - tiền tệ. 
Có thể khẳng định, các quy định tại BLDS đã khẳng định tư tưởng của Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), theo đó, mọi cá nhân, tổ chức được làm những gì mà pháp luật không cấm, với điều kiện các việc làm đó không vi phạm lợi ích công cộng, đạo đức xã hội; ghi nhận nhiều biện pháp để bảo đảm sự an toàn về mặt pháp lý cho các chủ thể trong các quan hệ dân sự nói chung và kinh doanh nói riêng. Nhờ có các quy định có tính chất nền tảng này mà các quan hệ thị trường ở nước ta trong thời gian qua đã có thể phát sinh, tồn tại và phát triển một cách thuận lợi và bền vững. 
Cũng theo đánh giá của Bộ Tư pháp, bằng những quy định có tính tương thích với thông lệ quốc tế, BLDS đã góp phần thúc đẩy các giao lưu dân sự, thương mại của Nhà nước ta với các nước khác trên thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của Đảng ta. 
Mặt khác, đối với hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ tư nói riêng, BLDS bước đầu đã thể hiện được vai trò là luật chung, luật gốc thông qua việc BLDS đã bao quát được tương đối đầy đủ tất cả các vấn đề thuộc lĩnh vực tư. Nhờ vậy, BLDS đã khắc phục được một bước những mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật về tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực luật tư. 
Chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và tin cậy
Mặc dù đã ghi nhận nhiều tác động tích cực của BLDS hiện hành, tuy nhiên,  theo nhận định của Bộ Tư pháp, BLDS hiện hành qua thời gian thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, trong BLDS hiện hành, quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản của người khác chưa được quy định đúng với vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường và trong việc phát huy giá trị kinh tế của các loại tài sản trong xã hội. 
Như vậy, BLDS hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và tin cậy để những người không phải là chủ sở hữu có thể mạnh dạn, yên tâm đưa tài sản của mình vào lưu thông kinh tế, do đó, nhiều tài sản có giá trị kinh tế nhưng không được sử dụng một cách hiệu quả, gây lãng phí cho chủ sở hữu và cho xã hội. 
Một trong những nhiệm vụ cơ bản của BLDS là tạo môi trường pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc hình thành và phát triển của các quan hệ thị trường. Tuy nhiên, các quy định về giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng trong BLDS hiện hành còn có nhiều hạn chế như chưa rõ ràng, chưa cụ thể dẫn đến việc rất khó áp dụng trong thực tiễn. 
Đặc biệt là, nhiều quy định còn tỏ ra cứng nhắc, có thể tạo nguy cơ cao cho việc tuyên bố giao dịch bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ. Ngoài ra, cũng chưa có cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình, của bên thiện chí trong quan hệ dân sự… 
Bên cạnh đó, BLDS cũng chưa thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống luật tư, chưa thể hiện được vai trò là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ những người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự. 
Những bất cập này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của BLDS nói riêng, pháp luật dân sự nói chung. Chính vì vậy, việc sửa đổi BLDS đã trở nên cấp thiết. 

Đọc thêm