Viện Khoa học pháp lý cần chú trọng nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật

(PLO) - Hôm nay (3/8), Viện Khoa học pháp lý (KHPL), Bộ Tư pháp kỷ niệm 35 năm thành lập (4/8/1983 - 4/8/2018) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhân dịp này, Báo Pháp luật Việt Nam phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu về quá trình hình thành, phát triển và định hướng trong thời gian tới của Viện.
Viện Khoa học pháp lý cần chú trọng nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật

Thưa Thứ trưởng, nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Viện KHPL, Thứ trưởng đánh giá thế nào về quá trình xây dựng và trưởng thành của Viện?

- Trong suốt 35 năm xây dựng, phát triển, với sự vào cuộc tích cực, chủ động, trách nhiệm với công việc chung của các nhà khoa học trong và ngoài Bộ; sự đồng sức, đồng lòng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện KHPL, hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ nói chung, của Viện KHPL nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng thể hiện được được vị trí, vai trò trong việc giải quyết các vấn đề chính sách lớn, then chốt trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp. 

Viện KHPL đã trực tiếp triển khai hoặc tham mưu với Lãnh đạo Bộ tổ chức triển khai trên 520 đề tài, nhiệm vụ khoa học, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Bộ và các đơn vị trong Bộ thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là nhiệm vụ tham gia xây dựng và triển khai văn kiện Đảng, Hiến pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp, Chương trình cải cách hành chính.

Các cán bộ của Viện cũng đã hoàn thành và xuất bản trên 100 sách chuyên khảo và tham khảo. Trong đó, đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng như: Đề án “Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn 30 năm đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN”; trực tiếp góp phần xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội XII của Đảng (phần về hệ thống chính trị và Nhà nước pháp quyền XHCN); Hoàn thành Đề án “Tổng kết 10 năm (2008 - 2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”, góp phần quan trọng trong việc tham gia xây dựng Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đóng góp tích cực trong việc sửa đổi, bổ sung các bản Hiến pháp qua các thời kỳ, các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các bộ luật, luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

Bên cạnh đó, kế thừa và phát huy những giá trị pháp lý truyền thống, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động khoa học ý nghĩa, có giá trị áp dụng sâu rộng trong thực tiễn như nghiên cứu về Bộ luật Hồng Đức, về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhìn từ góc độ pháp lý…

Trước những yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với hoạt động của Bộ và Ngành, trong thời gian tới, Viện KHPL cần tập trung thực hiện những định hướng nghiên cứu cơ bản nào?

- Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, Báo cáo chính trị Đại hội XII chỉ rõ: “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN. Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước.

Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng nền tảng đạo đức xã hội”. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động nhiều mặt tới đời sống kinh tế - xã hội của nhân loại, đòi hỏi chúng ta phải có thái độ ứng xử chủ động, tích cực để khai thác triệt để những lợi ích mang lại, mà một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải xây dựng được hệ thống pháp luật có khả năng thích ứng cao.

Bối cảnh này đặt công tác nghiên cứu KHPL của Bộ, ngành Tư pháp trước những thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách, trong đó Viện KHPL - đầu mối tham mưu triển khai các nhiệm vụ khoa học của Bộ cần tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Thứ nhất, chủ động nghiên cứu để phát hiện và đề xuất hướng xử lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, nhất là các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật trở thành thói quen trong ứng xử của mọi cơ quan, tổ chức và từng cá nhân trong xã hội. 

Thứ hai, tập trung nguồn lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005, Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005, chủ động đề xuất định hướng chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật và chiến lược cải cách giai đoạn 2021-2035 đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, nhất là trong bối cảnh quá trình hội nhập ngày càng đi vào chiều sâu và những tác động đa chiều của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN góp phần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh phát triển.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu mang tính đi trước, dẫn đường về lý luận khoa học cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân sự, hình sự, xử lý hành chính, thi hành án dân sự và ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thể chế về tổ chức thi hành pháp luật.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu đề xuất hướng hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Bộ và ngành Tư pháp giai đoạn từ nay tới năm 2030 theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh việc hiện đại hóa phương thức quản trị của các cơ quan, đơn vị trong Bộ và ngành Tư pháp trên cơ sở ứng dụng những công nghệ tiên tiến của kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.  

Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, theo Thứ trưởng, Viện KHPL cần quan tâm thực hiện những giải pháp chủ yếu nào?

- Trước hết, cần chú trọng củng cố và phát huy nhân tố con người với tầm nhìn dài hạn về nhân lực khoa học của Ngành. Bác Hồ đã từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Chính vì thế, việc tập trung gỡ “nút thắt” về chất lượng nhân lực tham gia hoạt động khoa học của Bộ là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh thời gian qua một số chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trong các đơn vị thuộc Bộ nghỉ hưu nhưng lại thiếu lực lượng kế cận tương xứng.

Việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học cần được thực hiện bài bản, có lộ trình phù hợp gắn với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, tránh “khoảng trống” giữa các thế hệ. Cần sớm hình thành cơ chế ưu tiên, tạo điều kiện tối đa để Viện KHPL thu hút được nhân lực có chất lượng cao, nhất là nhân lực được đào tạo bài bản tại các quốc gia phát triển, các cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, am hiểu tình hình trong nước và quốc tế. 

Viện cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn tài chính, tăng cường liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội để có thêm các nguồn lực cần thiết cho việc triển khai nhiệm vụ.

Cần tạo cơ chế thu hút các nhà khoa học trong và ngoài Bộ, liên kết và phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học cùng nghiên cứu các vấn đề pháp lý quan trọng và phức tạp mà thực tiễn của Bộ, Ngành và đất nước đang đặt ra.

Để các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu gắn kết hơn nữa với các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp, cơ quan tham mưu về khoa học (Viện KHPL) cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để nắm bắt thông tin, tham gia trực tiếp vào việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, nhất là các nhiệm vụ về xây dựng thể chế, chính sách; bản thân đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện cũng phải tự mình nâng tầm để tương xứng với nhiệm vụ được giao, thể hiện được rõ vai trò phản biện, góp ý có chất lượng khi được mời tham gia xây dựng thể chế, chính sách. 

Viện KHPL cần tập trung nghiên cứu, khẩn trương thực hiện các bước để xây dựng Viện nghiên cứu chiến lược của Bộ, ngành Tư pháp về Nhà nước và pháp luật, cần sớm định dạng về tầm vóc, chức năng của Viện. Trong đó, về tầm vóc, Viện nghiên cứu chiến lược của Bộ, ngành Tư pháp không chỉ nghiên cứu các vấn đề trước mắt, trung và dài hạn, mà phải nghiên cứu những vấn đề đặt ra ở tầm quốc gia và quốc tế, mang tính dự báo khoa học cao trong hệ thống chuỗi giá trị pháp lý.

Hoạt động của Viện nghiên cứu chiến lược không chỉ của một đơn vị đơn lẻ, mà phải là một trung tâm có khả năng kết nối tổ chức nghiên cứu trong cả nước và với quốc tế. Viện cần chủ động tăng cường giao lưu, trao đổi học thuật với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước, tiếp cận hiệu quả với những kho thông tin KHPL có uy tín trên thế giới, khuyến khích các thành viên trong Viện thực hiện các công bố quốc tế có chất lượng.

Cùng với đó, Viện KHPL cũng cần sớm tham mưu xây dựng cơ chế khen thưởng phù hợp cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, nhất là các cá nhân có công bố quốc tế, sớm hình thành Quỹ khen thưởng khoa học của Bộ từ các nguồn kinh phí hợp pháp, nhất là nguồn huy động từ xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm