Việt Nam gây tiếng vang bởi cho người không quốc tịch nhập quốc tịch Việt

(PLO) -Người không quốc tịch trên lãnh thổ nước ta là vấn đề đã có từ lâu, hiện hầu hết đã hòa nhập với cộng đồng xã hội Việt Nam nhưng không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh quốc tịch. Để giải quyết vấn đề này, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã dành riêng một điều (Điều 22) quy định về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch. 
 
Một buổi lễ trao Quyết định nhập quốc tịch Việt Nam
Một buổi lễ trao Quyết định nhập quốc tịch Việt Nam

Việc thực hiện Điều 22 đã gây tiếng vang lớn cho Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành quốc gia điển hình về giải quyết tình trạng không quốc tịch.

Căn cứ pháp lý cơ bản đầy đủ 

Qua báo cáo của các địa phương, có thể chia người không quốc tịch thành 4 nhóm. Đặc điểm chung của họ là rất khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí thấp, không có bất cứ giấy tờ gì để làm căn cứ xác định nhân thân, quốc tịch; quan niệm về hôn nhân còn đơn giản, nặng về phong tục tập quán, con sinh ra thường không đăng ký khai sinh. Thực trạng này không những làm cho cuộc sống của họ khó khăn thêm mà còn phát sinh vấn đề phức tạp cho công tác quản lý dân cư nói chung tại các địa phương, nhất là khu vực biên giới.

Trước tình hình đó, Điều 22 Luật năm 2008 quy định: “Người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ hai mươi năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định”. Đây là quy định mang tính chất chuyển tiếp nhằm giải quyết dứt điểm tồn đọng về mặt lịch sử tình trạng người không quốc tịch làm ăn, sinh sống ổn định trên lãnh thổ Việt Nam, bảo đảm quyền có quốc tịch của cá nhân, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng không quốc tịch ở nước ta. Đồng thời, qua đó tạo cơ sở pháp lý để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý dân cư, giải quyết các việc về quốc tịch.

Sau khi Luật năm 2008 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2009 - PV), Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, hoàn thiện cơ bản về căn cứ pháp lý để giải quyết các vấn đề về quốc tịch. Các văn bản này nêu rõ, người được nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22 phải là người hội đủ 4 yếu tố sau: Không có bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh quốc tịch Việt Nam cũng như không có bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh quốc tịch nước ngoài; đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật có hiệu lực, được chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận (thông qua việc phân loại theo danh sách, văn bản đề xuất); tự nguyện xin nhập quốc tịch Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Các văn bản cũng xác định thời hạn nộp hồ sơ, thời hạn giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, việc giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên theo quy định Điều 22 của Luật được thuận lợi hơn.

Quốc gia điển hình về giải quyết tình trạng không quốc tịch

Quá trình triển khai Điều 22 cho thấy hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện với 60/63 địa phương có Kế hoạch, 3 địa phương không ban hành Kế hoạch nhưng có báo cáo tình hình triển khai. Theo báo cáo, 32/63 địa phương có người thuộc diện giải quyết theo Điều 22, còn lại 31 địa phương không có người thuộc diện này. Trên cơ sở khảo sát thực tế và xây dựng kế hoạch, các địa phương đã tích cực, nỗ lực triển khai Điều 22, có văn bản đề xuất Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, bảo đảm thời gian và tiến độ đề ra. 

Số liệu báo cáo cho biết, đã có 4.570 người được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22. Sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước, UBND cấp tỉnh đã kịp thời phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành hữu quan tổ chức lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước cho bà con, bảo đảm ý nghĩa trang trọng. Việc làm này đã tạo những điều kiện thuận lợi cho bà con yên tâm, tin tưởng, ổn định cuộc sống, gắn bó hơn với Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Người dân được hưởng các quyền, lợi ích gắn với quy chế công dân Việt Nam, được làm các giấy tờ pháp lý liên quan đến nhân thân cá nhân mình, có đầy đủ tư cách công dân để làm nghĩa vụ đối với Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Đặc biệt, trên phương diện quốc tế, việc giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch đã gây tiếng vang lớn cho Việt Nam trên trường quốc tế. Về cơ bản, pháp luật quốc tịch Việt Nam liên quan đến người không quốc tịch đã đáp ứng được các tiêu chí của Liên Hợp quốc. Với những thành tựu quan trọng đó, theo đánh giá của Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn, Việt Nam trở thành quốc gia điển hình trong khu vực và trên thế giới về việc giải quyết tình trạng không quốc tịch, là bài học kinh nghiệm tốt cho nhiều nước trong khu vực.

Đọc thêm