Vĩnh Phúc chú trọng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Tòa án

(PLVN) - Trước yêu cầu về việc giải quyết các tranh chấp ngày càng gia tăng, thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TAND Tối cao đã tiếp tục mở rộng thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Vĩnh Phúc. 
Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND thành phố Vĩnh Yên nghiên cứu hồ sơ trước một vụ hòa giải
Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND thành phố Vĩnh Yên nghiên cứu hồ sơ trước một vụ hòa giải

Việc mở rộng thực hiện thí điểm này nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại TAND, góp phần giảm áp lực số lượng vụ việc tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử; giảm số lượng vụ việc cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức cưỡng chế thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các cơ quan tư pháp, đương sự, Nhà nước và toàn xã hội.

Theo đó, nhằm góp phần giảm áp lực số lượng vụ việc tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử, từ ngày 1/11/2018, 6 trung tâm hòa giải, đối thoại tại 6 đơn vị gồm: TAND tỉnh, TAND thành phố Vĩnh Yên, TAND các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Dương và Lập Thạch được thành lập và chính thức đi vào hoạt động.

Với 33 Hòa giải viên, Đối thoại viên  là những Thẩm phán, Kiểm sát viên đã nghỉ hưu, các ông bà đang tham gia công tác Hội thẩm và các Luật sư có phẩm chất đạo đức, có uy tín, có kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại tốt, tâm huyết, nhiệt tình để tham gia vào hoạt động đối thoại.

Nhiều Hòa giải viên của Trung tâm chia sẻ: “Công tác hòa giải, đối thoại là một trong những nhiệm vụ rất khó khăn, khi đã đưa nhau ra Tòa thì các mối quan hệ, tranh chấp đều đang ở mức rất căng thẳng, khó có thể thương lượng được với nhau. Vì vậy, chúng tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh, nhân thân của từng đương sự để có thể “đánh đúng, đánh trúng tâm lý” của họ.

Đối với những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, nhất là việc vay nợ không thế chấp giữa ngân hàng và người dân, bên cạnh việc tìm hiểu nguyên nhân sự việc, thông tin cá nhân, hoàn cảnh đương sự, chúng tôi còn phải nghiên cứu rất nhiều văn bản pháp luật liên quan để đưa ra những giải pháp phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cả hai bên. Nhờ đó, mới đạt được kết quả cao trong công tác hòa giải”.

Đến nay, bước đầu các trung tâm đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, khẳng định bước đi đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, hạn chế việc giải quyết tranh chấp thông qua xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các đương sự. Việc ra đời các trung tâm hòa giải, đối thoại tại 6 đơn vị thuộc Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc là bước chuyển lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại tòa án. 

Từ ngày 1/11/2018 đến ngày 15/3/2019 các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận 827 đơn khởi kiện, trong đó: tranh chấp dân sự 171 đơn, đơn tranh chấp về hôn nhân và gia đình 625 đơn, tranh chấp kinh doanh thương mại 12 đơn, khiếu kiện hành chính 18 đơn và lao động 1 đơn.

Ngay sau khi nhận hồ sơ vụ việc, Giám đốc các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã phân công cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên nghiên cứu xem xét. Các Đối thoại viên, Hòa giải viên được phân công giải quyết vụ việc đã chủ động, tích cực nghiên cứu nội dung vụ việc, vận dụng kiến thức, kỹ năng của mình, xây dựng kế hoạch làm việc với đương sự, tiến hành hòa giải, đối thoại.

Cụ thể như sau: đã tổ chức hòa giải, đối thoại 730/827 vụ, trong đó: hòa giải thành, đối thoại thành 589/730 vụ (án dân sự hòa giải thành 62/144 vụ; án hôn nhân và gia đình hòa giải thành 518/567; kinh doanh thương mại hòa giải thành 6/10 vụ); đối thoại thành các vụ việc hành chính 03/9 vụ. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ có nhiều Hòa giải viên, Đối thoại viên thể hiện năng lực hòa giải, đối thoại với khả năng phân tích, vận động, thuyết phục tốt, trách nhiệm với công việc được giao.

Có thể khẳng định rằng, việc mở rộng thực hiện thí điểm này góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Đồng thời giảm tải cho công tác xét xử của tòa án trong bối cảnh số lượng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. 

Đọc thêm