Vĩnh Phúc: Công tác tuyên truyền góp phần quan trọng xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

(PLVN) -Xác định vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặc biệt quan tâm đầu tư, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này. 
Vĩnh Phúc: Công tác tuyên truyền góp phần quan trọng xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Với phương châm hướng về cơ sở, từ cơ sở và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, xây dựng  nông thôn mới với những việc làm hiệu quả, thiết thực, bên cạnh việc xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện của cấp tỉnh, chỉ đạo hướng dẫn các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong những năm qua, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với các hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng tiếp tục được thực hiện. Sở Tư pháp tích cực phối hợp với các cấp, các ngành chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật của các xã trên địa bàn tỉnh trong thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Chỉ tính riêng năm 2019, Sở Tư pháp phối hợp sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh mở 137 lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật tại các xã trên địa bàn tỉnh cho gần 20.500 cán bộ và nhân dân tại cơ sở; biên tập và phát hành 122.962 tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung chủ yếu tập trung về các lĩnh vực pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm hành chính, phòng chống bạo lực gia đình…Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội thi Phụ nữ Vĩnh Phúc với pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc thi viết Tìm hiểu Luật tiếp cận thông tin năm 2016. Các cuộc thi đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, giữ gìn truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin, đảm bảo quyền công dân mà Hiến pháp năm 2013 quy định. 

Phối hợp Báo Pháp luật Việt Nam xây dựng chuyên mục đối thoại trực tuyến về bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hút các dự án đầu tư ở Vĩnh Phúc. Xây dựng 65 chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài PTTH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc nhằm giới thiệu, hỏi đáp các quy định pháp luật mới ban hành, các lĩnh vực pháp luật liên quan đến đời sống của nhân dân như: Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật giao thông đường bộ, Luật an toàn thực phẩm..

Để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện tiêu chí hòa giải ở cơ sở trong xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai công tác hòa giải ở cơ sở trong năm 2019; Giúp UBND tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở; ban hành Kế hoạch 127/KH-UBND ngày 02/8/2019 triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”; tham mưu xây dựng văn bản hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; tham mưu đề nghị UBND tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở. Hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng hoạt động có hiệu quả. Hướng dẫn UBND cấp huyện chỉ đạo kiện toàn Tổ hòa giải bảo đảm đúng quy định, nhờ đó chất lượng hòa giải được nâng lên, tỷ lệ các vụ hoà giải thành ngày càng tăng, qua đó đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương quản lý nhà nước xã hội bằng pháp luật, hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, hạn chế đơn thư, khiếu nại chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, tiết kiệm thời gian và kinh phí của cơ quan nhà nước và công dân. 

Đến nay, 112/112  xã trên địa bàn tỉnh được công nhận xã nông thôn mới. Trong đó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần quan trọng trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ thực tế công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói chung và tiêu chí phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng trên địa bàn tỉnh thời gian qua có thể thấy: Việc xây dựng, thực hiện các tiêu chí đã được tổ chức triển khai một cách nghiêm túc, bài bản và có hiệu quả thực tế. Kết quả này góp phần tích cực vào việc hoàn thành tiêu chí 18.5 về nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. 

Có thể thấy rằng, việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới góp phần làm cho hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tác động tích cực đến việc cải thiện và cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng nếp sống văn minh tại cộng đồng dân cư, tạo khí thế mới, khích lệ người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững và toàn diện. Điều quan trọng hơn đó là đã tạo ra một tiền đề vững chắc cho cán bộ và nhân dân tiếp cận pháp luật, được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp từ đó xây dựng thói quen, nếp sống theo Hiến pháp và pháp luật. 

Đọc thêm