Xác định tiêu chuẩn thành viên Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

(PLO) - Đây là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cơ quan đại diện (CQĐD) nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài do diễn ra sáng qua (20/4) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cuộc họp.

Quy định cụ thể tiêu chuẩn Đại sứ

Nhằm luật hoá các tiêu chuẩn để có thể chọn lựa các cán bộ ngoại giao có đủ năng lực, uy tín, kinh nghiệm, Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều 17 về tiêu chuẩn của thành viên CQĐD.

Theo đó, bổ sung quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền (ĐSĐMTQ) để phục vụ việc thẩm tra và xem xét phê chuẩn. Nội dung tiêu chuẩn được căn cứ tiêu chuẩn phong hàm Đại sứ theo Pháp lệnh Hàm, cấp ngoại giao và Nghị định 13-CP, tham khảo quy định về các tiêu chuẩn áp dụng đối với một số chức danh tương tự, chức danh quản lý, lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước, phù hợp với yêu cầu của vị trí. 

Ngoài ra, theo quy định tại Quyết định 965/QĐ-BNG ngày 08/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về tiêu chuẩn thành viên CQĐD, ĐSĐMTQ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung của viên chức ngoại giao như có lập trường chính trị vững vàng, kiên định; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật; nắm vững và tuân thủ các quy định về công tác bảo mật... 

Trong đó, Dự thảo Luật nhấn mạnh tiêu chuẩn riêng về năng lực tham mưu, tổ chức, chỉ đạo thực hiện về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại; có chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm quản lý, công tác trên lĩnh vực đối ngoại; có trình độ lý luận chính trị cao cấp và chứng chỉ quản lý hành chính nhà nước cao cấp; sử dụng thông thạo một ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công tác.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, các tiêu chuẩn liên quan đến lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức còn chung chung, dễ dẫn đến tùy tiện, thiếu công bằng. Ông đề xuất cần xác định rõ tiêu chuẩn thành viên CQĐD ở địa bàn chiến lược với các địa bàn khác nhau như thế nào vì đặc thù mỗi quốc gia là không giống nhau.

Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng không nên quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm thành viên của CQĐD  phải đáp ứng quy định của Bộ Ngoại giao vì Bộ này không thể quy định tiêu chuẩn cán bộ của Bộ khác. Ví dụ, muốn bổ nhiệm tham tán tại địa bàn thì theo tiêu chuẩn tại Bộ Ngoại giao chỉ cần là chuyên viên nhưng tại Bộ Công Thương phải là lãnh đạo cấp Vụ, do vậy dễ dẫn đến làm sai, làm bậy.

Trong độ tuổi hoàn thành 1 nhiệm kỳ 3 năm

Liên quan tới vấn đề độ tuổi, nguyên tắc chung là ĐSĐMTQ phải trong độ tuổi đủ để hoàn thành một nhiệm kỳ công tác là 3 năm cho đến trước khi nghỉ hưu. Trong trường hợp thời gian công tác còn lại không đủ 3 năm thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm tranh thủ sự đóng góp của một số cán bộ có kinh nghiệm, uy tín trong đối ngoại, chủ yếu thực hiện tại các địa bàn Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược, các nước láng giềng quan trọng. 

Bày tỏ đồng tình, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thêm trong trường hợp đặc biệt (không đủ độ tuổi để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác) cần xác định rõ những tiêu chí, điều kiện cụ thể về khả năng, trình độ, kinh nghiệm... để việc thực hiện sau này bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch và thống nhất.

Tuy nhiên, đại diện một số Bộ như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lại tỏ ra lo ngại bởi việc Luật quy định cụ thể về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn của ĐSĐMTQ chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị  cần thực hiện theo các quy định của pháp luật đang được quy định tại khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động và Nghị định 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức để tránh xung đột và tách biệt với pháp luật hiện hành.

Đọc thêm