Xác định vùng cấm và vùng "mở" trong cung cấp thông tin

(PLO) - Sáng nay (10/11), để đưa ra những góc nhìn đa dạng về mối quan hệ giữa dự thảo Luật tiếp cận thông tin (TCTT) với các văn bản pháp luật khác hướng tới việc đảm bảo thực hiện quyền TCTT của công dân, Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức Tọa đàm nghiên cứu, thảo luận dự thảo Luật TCTT.
GS.TS.Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN chủ trì Tọa đàm
GS.TS.Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN chủ trì Tọa đàm

Theo ThS.Trần Văn Duy – Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam, quyền TCTT vừa giúp xây dựng Chính phủ “mở”, gần người dân hơn, vừa đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Nhưng thời gian qua việc cung cấp thông tin mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu TCTT của người dân, kể cả những thông tin liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân.

Cung cấp thông tin không chỉ là “tin” mà phải để người TCTT nắm được các nội dung, kiến thức cốt lõi trong hồ sơ, tài liệu. Thông tin được cung cấp phải chính xác nên Luật TCTT phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông tin, trước khi thông tin phải có phân tích, đánh giá, thậm chí là có kết luận, khuyến nghị cụ thể trước khi đưa ra công chúng.

Tuy nhiên, việc chỉ qui định chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin là các cơ quan nhà nước mà không bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội – nghề nghiệp, xã hội như dự thảo là “không thỏa mãn được những đặc thù của hệ thống chính trị nước ta hiện nay” - ThS.Trần Văn Duy nhận xét.

Cùng nhận định, ThS.Nguyễn Minh Sơn – Ban Thanh tra TANDTC đề xuất phải bổ sung các chủ thể ngoài nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nắm giữ thông tin thông tin liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân nhằm bảo đảm quyền được thông tin, biết và tham gia vào công việc quốc gia của người dân, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của nhà nước và cả hệ  thống chính trị.

Cụ thể hơn, ThS.Trần Văn Duy cho rằng, dự thảo Luật cần quy định theo hướng “tất cả các cơ quan, tổ chức sử dụng quyền lực công hoặc tài sản, ngân sách do người dân đóng góp đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, dù cơ quan đó được hình thành dưới hình thức nào và hoạt động theo nguyên tắc nào”.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, “không nên vì muốn giảm gánh nặng cho cơ quan nhà nước mà hạn chế quyền TCTT của công dân”, nên không thể từ chối cung cấp thông tin vì “vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan”… như dự thảo. Đồng thời, cần xác định được vùng cấm và vùng mở của thông tin cần được cung cấp để “bớt mơ hồ”, tránh lách luật để “né” cung cấp thông tin.
Nhìn nhận vai trò của Luật TCTT từ hoạt động nghiệp vụ báo chí, Nhà báo Đinh Anh Tuấn chỉ ra 7 hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thường xảy ra và đề nghị dự thảo Luật phải quy định đầy đủ để dễ dàng cho việc xử lý các hành vi này khi thi hành quyền TCTT.
Đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin được xử lý thông qua Tòa án, Nhà báo Đinh Anh Tuấn đề nghị được xử lý theo thủ tục rút gọn để không còn những vụ kiện "luẩn quẩn" vì thủ tục tố tụng hoặc chỉ vì một lời cải chính mà phải tiến hành vụ kiện kéo dài cả thập kỷ.
Ở góc độ nghiên cứu, GS.TS.Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN bày tỏ, "Hiến pháp 2013 đã mở ra nhiều cơ hội cho việc thực hiện quyền TCTT. Có quyền TCTT thì “dê, bò cho dân nghèo không “lạc” vào nhà  quan chức địa phương”, không còn những khiếu kiện dai dẳng về đất đai sau mỗi dự án… ". Do vậy, dự thảo Luật TCTT cần phải giải quyết triệt để những vấn đề thực tiễn để quyền TCTT của công dân được thực thi.

Đọc thêm