Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Quan tâm nguồn lực thực hiện

(PLVN) - Đến hết năm 2019, trên cả nước mặc dù đã có 9687/10985 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL), đạt gần 88%, song ở nhiều nơi vẫn còn gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện, nhất là gắn kết với thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Một số tiêu chí còn cứng nhắc

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, đến nay, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đạt được những kết quả bước đầu, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, góp phần tăng cường khả năng TCPL của người dân ở cơ sở.

Các địa phương cũng xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác PBGDPL nói chung, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL, trong đó chú trọng tập huấn, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ được giao bám sát mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra; quan tâm, tích cực tham mưu Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí, tạo điều kiện triển khai.

Tuy nhiên, thực tế sau thời gian triển khai, nhiều địa phương gặp những khó khăn, lúng túng nhất định. Theo phản ánh từ tỉnh Điện Biên, bên cạnh kết quả đạt được, các hoạt động liên quan đến đánh giá chuẩn TCPL còn chậm triển khai, có lúc, có nơi còn lúng túng; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện còn hạn chế. Việc lấy phiếu hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại UBND cấp xã chưa được khách quan… Đặc biệt, xây dựng và đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL còn hạn chế, nhất là ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chính vì vậy, hiện nay còn nhiều huyện tỷ lệ xã đạt chuẩn về TCPL thấp. 

Ở tỉnh Hậu Giang đến nay cơ bản xã, phường, thị trấn hoàn thành thủ tục công nhận đạt chuẩn TCPL; việc triển khai xây dựng, thực hiện đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, Nhân dân trong áp dụng và chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng,  một số tiêu chí trong đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL còn cứng nhắc, hình thức, chưa phản ánh đúng việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác này (ví dụ như tiêu chí đánh giá tỷ lệ % hòa giải thành trong hòa giải cơ sở để chấm điểm TCPL).

Ở Bình Phước, với sự chủ động, tích cực của cơ quan Tư pháp và các ngành liên quan, đến giữa 2019, các huyện, thị xã, thành phố đã công nhận 74/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL . Một số địa phương có số lượng xã đạt chuẩn TCPL cao. Mặc dù vậy Sở Tư pháp cho biết, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL còn nhiều khó khăn như: một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, sâu sát, thường xuyên; Các hoạt động liên quan đến đánh giá chuẩn TCPL còn chậm triển khai, có lúc, có nơi còn lúng túng; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cá nhân trong triển khai thực hiện còn bất cập; kinh phí bảo đảm còn hạn chế….

Hoàn thiện thể chế phù hợp với thực tiễn

Vấn đề này, Bộ Tư pháp cũng cho biết, một số địa phương qua theo dõi, nắm bắt vẫn còn tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn TCPL mang tính hình thức, chưa chú trọng kiểm tra nắm bắt tình hình, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định. Một số nội dung, quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL trong các văn bản hiện hành đã bộc lộ bất cập, hạn chế. Sau đánh giá đạt chuẩn TCPL hàng năm, nhiều địa phương chưa chú trọng có giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế, tăng cường hiệu quả thực hiện các lĩnh vực quản lý gắn với các chỉ tiêu, tiêu chí TCPL.  Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL nói chung còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL đạt hiệu quả, khắc phục những khó khăn, vướng mắc Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn; thực hiện đầy đủ, đúng quy định về trách nhiệm được giao trong Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp; quan tâm bố trí kinh phí ngân sách nhà nước và nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL.

Các Sở Tư pháp cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung một số văn bản, quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL, tạo cơ sở hoàn thiện thể chế, văn bản cho phù hợp thực tiễn, phát huy vai trò, vị thế của ngành Tư pháp góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp có những giải pháp cụ thể, phù hợp để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL ở địa phương. 

Đọc thêm