Xây dựng chính sách tốt sẽ giúp văn bản không “đổ bể” giữa chừng

(PLO) - Ngày 12/11, trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam do Canada tài trợ, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo về hoạt động xây dựng và phân tích chính sách trong quy trình xây dựng pháp luật. 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu khai mạc hội thảo
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu khai mạc hội thảo
Các đại biểu tham dự đã cùng nhau chia sẻ thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm của Canada, đồng thời được nghe công bố hoạt động xây dựng Sổ tay hướng dẫn xây dựng và phân tích chính sách trong quá trình xây dựng pháp luật.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, một trong những điểm nhấn hàng đầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là tạo được quy trình xây dựng chính sách gắn với việc lập đề nghị xây dựng một số loại VBQPPL. 
Theo Thứ trưởng Long, vấn đề làm chính sách được đặt ra từ nhiều năm trước nhưng đến Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 thì mới trở thành quy phạm “cứng”. Quy định mới này sẽ khắc phục được một số bất cập đang diễn ra trong thực tiễn, đặc biệt là “đổ bể” văn bản giữa chừng.
“Trước đây, do vấn đề về nhận thức và do bức xúc từ nhu cầu thực tiễn nên các Bộ, ngành cứ đăng ký đề xuất xây dựng văn bản, sau đó mới xác định chính sách và đường hướng xây dựng, vì vậy xảy ra tình trạng một số văn bản làm giữa chừng thì buộc phải dừng lại” – Thứ trưởng Long phân tích. 
Ngoài ra, Thứ trưởng Long tin tưởng, quy trình xây dựng chính sách sẽ giúp tăng cường công tác phối hợp liên ngành bởi xây dựng chính sách là hoạt động mang tính chất liên ngành và đa ngành.
Giới thiệu quy trình xây dựng chính sách theo quy định của Luật năm 2015, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho rằng, việc xây dựng một chính sách thường gồm những bước đi cụ thể như nhận diện vấn đề chính sách, xác định nguyên nhân vấn đề chính sách, xây dựng phương án giải quyết vấn đề, đánh giá tác động của từng phương án chính sách, tham vấn các đối tượng liên quan và quyết định chọn lựa phương án chính sách. 
Bên cạnh đó, để giúp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thông qua chính sách, thông thường trong quy trình xây dựng chính sách còn có bước thẩm định chính sách, hay đúng hơn là thẩm định đề xuất chính sách.
Để thực hiện đúng và đầy đủ nội dung, tinh thần các quy định về quy trình xây dựng chính sách trong Luật, ông Cương lưu ý những cán bộ tham mưu chính sách, tham mưu xây dựng pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; cần coi trọng công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, tiên liệu, tiên lượng thực tiễn; cần đề cao việc tham vấn, đánh giá tác động đối với phương án chính sách… 
Cũng theo ông Cương, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật
Chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp Dương Thị Thanh Mai thì đề xuất xây dựng sách hoặc cẩm nang phân tích chính sách và đánh giá tác động chính sách và xây dựng thông tư hoặc quyết định của Bộ trưởng hướng dẫn cụ thể các phương pháp đánh giá tác động chính sách, kinh phí bảo đảm. 
Trong nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, bà Mai kiến nghị xây dựng 1 chương về phân tích chính sách và đánh giá tác động chính sách với các quy định về chủ thể, nội dung, quy trình phân tích chính sách, đánh giá tác động chính sách.
PGS.TS Đỗ Phú Hải (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, trong 1-2 năm tới phải đánh giá nhu cầu đào tạo và có kế hoạch, chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các Bộ, ngành, địa phương về năng lực phân tích chính sách, xây dựng đề án chính sách cho chương trình xây dựng pháp luật. Còn về lâu dài, cần đầu tư mạnh mẽ vào ngành khoa học chính sách công từ việc đào tạo nguồn giảng viên, nghiên cứu viên, các nhà khoa học tầm khu vực và quốc tế về chính sách.

Đọc thêm