Tử tù hiến tạng cho y học: Lấy tạng bằng cách nào ?

Pháp luật không cấm việc tử tù hiến tạng cho công tác cữu chữa người bệnh. Tuy nhiên, với hình thức tử hình bằng xử bắn như hiện nay và sắp tới là tiêm thuốc độc thì chẳng thể bảo toàn được tạng của tử tù còn nguyên vẹn và an toàn để phục vụ y học và cứu chữa bệnh.

Pháp luật không cấm việc tử tù hiến tạng cho công tác cữu chữa người bệnh. Tuy nhiên, với hình thức tử hình bằng xử bắn như hiện nay và sắp tới là tiêm thuốc độc thì chẳng thể bảo toàn được tạng của tử tù còn nguyên vẹn và an toàn để phục vụ y học và cứu chữa bệnh.

 [links()]

Lấy tạng vào thời điểm nào?

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, tử tù sẽ bị “hành quyết” bằng việc bị bắn nhiều phát đạn vào người (chủ yếu là phần bụng) và hai phát đạn ân huệ vào mang tai. Trong khi những bộ phận tạng có thể lấy để cấy, ghép cho người bệnh chủ yếu nằm ở phần ngực và bụng (như tim, gan, thận…). Theo các chuyên gia y tế, với chừng ấy viên đạn găm vào người thì khó có thể bảo toàn được “lục phủ ngũ tạng” của tử tù còn nguyên vẹn. Vậy với trường hợp tử tù tự nguyện hiến tạng thì lấy vào thời điểm nào để vừa có thể sử dụng được, vừa không vi phạm pháp luật lvà đạo đức xã hội?

1
Ảnh minh họa

“Thời gian làm Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tây (cũ), tôi từng tham gia nhiều Hội đồng Thi hành án tử hình. Nhưng trước đây, do chưa có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nên thực tế chưa phát sinh trường hợp tử tù tự nguyện hiến tạng. Từ khi Nhà nước công bố Luật này, thực tế đã phát sinh một số trường hợp tử tù tự nguyện hiến mô, tạng cho y học, như trường hợp tử tù ở Tiền Giang, Quảng Ninh. Bởi vậy, theo tôi vấn đề này cũng phải bàn”, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TANDTC) Ngô Hồng Phúc chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thì phân tích: Trong trường hợp tử tù bị áp dụng hình thức tử hình bằng phương pháp bắn trực tiếp vào người, thì về mặt kỹ thuật có thể đặt ra ba trường hợp để lấy tạng của họ. Thứ nhất, tử tù đang ở biệt giam thì anh tự nguyện hiến, có thể chỉ hiến một quả thận hoặc một nửa lá gan, một bên giác mạc…Tuy nhiên, sau khi lấy tạng xong, cơ quan y tế phải hồi sức cho tử tù.

Sau một thời gian khi sức khỏe ổn định mới có thể buộc tử tù phải thi hành án tử hình. Nhưng làm như vậy khá tốn kém, hơn nữa trên thế giới không nước nào áp dụng. Thứ hai, sau khi tử tù bị “hành quyết” thì mới tiến hành lấy tạng. Trường hợp này thì chỉ lấy được giác mạc, còn các bộ phạn khác thì khó mà giữ được nguyên vẹn. Trường hợp thứ ba, cũng là bắn, nhưng không áp dụng phương pháp bắn theo lẽ thông thường mà chỉ bắn một phát vào đầu để cho tử tù chết não. Lúc đấy bên y tế ngay lập tức sẽ vào lấy tạng.

Theo ông Quang, trong ba trường hợp trên thì chỉ có trường hợp thứ ba là có tính khả thi. Nhưng vấn đề đặt ra là pháp luật có cho phép được lấy tạng của tử tù theo hình thức này không? Mặt khác, theo Điều 59 Luật Thi hành án Hinh sự (có hiệu lực từ 1/7/2010), sắp tới, việc thi hành án tử hình sẽ thay từ phương pháp bắn sang tiêm thuốc độc. Nếu đã bị tiêm thuốc độc thì dù tử tù có tự nguyện hiến, ngành y tế có muốn lấy cũng đành bó tay và đứng ngoài cuộc.

Chưa thể kết luận?

Tiến sỹ Luật Ngô Ngọc Thủy, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tư pháp -Đại học Luật Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy cho rằng: Mặc dù nhu cầu của y học rất nhiều, nhưng không phải ai hiến tạng cũng dùng được. Tôi nghĩ ngành y tế phải có những phân tích, bằng chứng và chứng minh cụ thể là phủ tạng của người chết trong trường hợp nào thì dùng được? từ đó mới tính đến chuyện tạng của tử tù (sau khi chết) thì có dùng để cứu chữa người bệnh và nghiên cứu khoa học được không?

Với tư tưởng nhân đạo là để cho tử tù có cái chết nhẹ nhàng, nhanh chóng, bởi vậy Quốc hội đã nhất trí áp dụng phương thức tiêm thuốc độc. Theo tôi, nếu để cho tử tù chết ngay sau khi tiêm thì đây phải là loại thuốc có độc tố cực mạnh. Nếu vậy thì phủ tạng của tử tù cũng bị nhiễm độc hết. Trong trường hợp này, về khía cạnh luật pháp và cơ sở khoa học thì ý nguyện tốt của tử tù không thể thực hiện được.

Cùng với suy nghĩ trên, Ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC bộc bạch: việc tử tù tự nguyện hiến xác, quá trình lấy ý kiến xây dựng Luật Thi hành án Hình sự và trên một số diễn đàn khoa học cũng đã thảo luận nhiều, nhưng chưa ngã ngũ và chưa ai giải thích, chưa ai kết luận được sẽ thực hiện hay không?

“Xung quanh việc tử tù hiến tạng, phát sinh rất nhiều vướng mắc và bất ổn về phương pháp, cách thức nên không biết sẽ thực hiện việc lấy tạng, bộ phận cơ thể của tử tù như thế nào? Nếu tử hình bằng cách tiêm thuốc độc thì sẽ phá tạng, chọn phương pháp xử bắn thì cũng tàn phá cơ thể con người ta tương tự. Vả lại, chẳng lẽ xử bắn xong lại mổ tử thi để lấy tạng liệu có được chăng? Còn nếu chưa thi hành án (chưa tiêm, chưa bắn) thì ai dám mổ để lấy tạng, bộ phận cơ thể?

Rồi còn phải tính đến tâm tư của người thân và gia đình tử tù, dư luận và đạo đức xã hội, lương tâm của người thi hành án. Tôi cho rằng, việc tử tù có tâm nguyện hiến tạng là việc rất đáng trân trọng, nhưng thực hiện tâm nguyện đó thế nào thì chúng ta cần phải nghiên cứu, bàn bạc thêm, trong đó phải tham khảo kinh nghiệm của các nước nữa...” - ông Lê Hữu Thể nêu ý kiến./.

Vân Anh – Quỳnh Lưu

Đọc thêm