2 điều kiện được coi là có khó khăn về tài chính

(PLO) - Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL). Trong đó vấn đề đáng chú ý là các quy định cụ thể về điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật TGPL.
Trợ giúp pháp lý cho người dân ở Quảng Ninh.
Trợ giúp pháp lý cho người dân ở Quảng Ninh.

Đưa ra điều kiện để đảm bảo tính khả thi

Quy định điều kiện có khó khăn về tài chính là một vấn đề mới trong pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu và để áp dụng trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đưa ra căn cứ dựa trên thu nhập hàng tháng là “địa vị”, tình trạng thường xuyên, lâu dài và không có cơ chế khác để được bảo vệ mình trước pháp luật của 08 nhóm người được quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật nhằm xác định điều kiện có khó khăn về tài chính. Mặt khác, việc quy định chi tiết về điều kiện có khó khăn về tài chính được đặt trong bối cảnh Luật TGPL đã quy định 14 nhóm người thuộc diện được TGPL (Bộ Tư pháp ước tính có khoảng 40 triệu người).

Do đó, để bảo đảm tính khả thi quyền được TGPL của người dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, dự thảo Nghị định đã đưa ra 02 điều kiện được coi là có khó khăn về tài chính như sau: Là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Trong đó, người thuộc hộ cận nghèo: Đây là điều kiện theo phương diện tiếp cận về thu nhập của người được TGPL. Ước tính số lượng người thuộc hộ cận nghèo trong 08 nhóm theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật TGPL có khoảng 1,1 triệu người. 

Các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: Đây là điều kiện theo phương diện tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho một trong những nhóm người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì số lượng người này khoảng 1,6 triệu người. 

Như vậy, 08 nhóm người được quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật TGPL phải đáp ứng 02 yêu cầu để được trợ giúp pháp lý: thuộc một trong tám nhóm người được quy định tại khoản 7 Điều 7;  thuộc một trong hai điều kiện được quy định chi tiết tại Điều 2 Nghị định này. Dự kiến số lượng của 08 nhóm người có khó khăn về tài chính là khoảng 2,7 triệu người.

Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo, Bộ Tư pháp cho biết, cũng có một số ý kiến đề xuất bổ sung những người không thể tiếp cận được tài sản của mình hoặc của gia đình, người có khó khăn đột xuất... cũng thuộc trường hợp có điều kiện có khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, việc xác định điều kiện có khó khăn về tài chính để được hưởng TGPL cần phải dựa trên các căn cứ về thu nhập và “địa vị”, tình trạng như đã nêu trên, nhất là đặt trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như hiện nay.

Số lượng người được TGPL theo Luật TGPL năm 2017 đã tăng lên rất nhiều so với hiện hành thì quy định như dự thảo Nghị định là phù hợp. Việc một số trường hợp rơi vào tình trạng có khó khăn nhưng chỉ mang tính chất ngắn hạn hoặc tạm thời sẽ được tiếp tục nghiên cứu mở rộng khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước phát triển hơn. Bên cạnh đó, việc đưa ra điều kiện có khó khăn về tài chính cũng nghiên cứu trên cơ sở có sự liên kết với các pháp luật có liên quan để việc tạo thuận lợi cho việc xác nhận các giấy tờ chứng minh tình trạng có khó khăn về tài chính theo các quy định của pháp luật đó.

Chỉ thành lập Chi nhánh TGPL trong trường hợp thực sự cần thiết

Trên tinh thần của Luật TGPL chỉ thành lập Chi nhánh trong những trường hợp thực sự cần thiết theo những điều kiện chặt chẽ được quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật TGPL, dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết các điều kiện thành lập Chi nhánh của Trung tâm TGPL Nhà nước theo hướng vận dụng các hướng dẫn được Bộ chuyên ngành quy định, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, cụ thể: Về căn cứ nhu cầu TGPL và điều kiện thực tế tại địa phương, dự thảo Nghị định hướng dẫn tại huyện dự kiến thành lập Chi nhánh phải căn cứ vào nhu cầu về TGPL cao, có Trợ giúp viên pháp lý làm việc thường xuyên, có cơ sở vật chất bảo đảm để Chi nhánh hoạt động có hiệu quả.

Về điều kiện vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dự thảo Nghị định hướng dẫn việc xác định đó là các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ (cụ thể hiện hành thì danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang được quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư).

Hiện nay, chưa có quy định về vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà chỉ có các hướng dẫn của các bộ, ngành chủ quản về thôn, xã, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, xác định nơi dự kiến thành lập chi nhánh là địa bàn địa chính cấp huyện, do đó, dự thảo Nghị định lựa chọn việc vận dụng kết quả rà soát danh mục các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ưu đãi đầu tư của Chính phủ để thành lập Chi nhánh của Trung tâm TGPL.

 Về điều kiện không có giao thông không thuận tiện đến Trung tâm TGPL Nhà nước, dự thảo Nghị định hướng dẫn việc xác định đó là các huyện không đạt tiêu chí giao thông theo hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới của cơ quan có thẩm quyền.

Đọc thêm