Ai là người phải chịu rủi ro đối với tài sản trong hợp đồng mua bán xe ?

(PLVN) -  Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Văn phòng luật sư Hoàng Huy - nhận định về việc chịu rủi ro đối với tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 441 Bộ luật dân sự. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong đơn gửi Báo PLVN, anh Trần Đức D (trú tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho biết:

Năm 2014, anh D mua một chiếc xe máy Click với giá 14 triệu đồng và đăng kí giấy tờ xe đứng tên mình. Tháng 12/2018, do điều kiện gia đình khó khăn, anh D chấp nhận bán chiếc xe cho một người bạn là chị A với giá 12 triệu đồng.

Hai bên tiến hành kí Hợp đồng mua bán tài sản với đối tượng của hợp đồng là chiếc xe máy Click trên cơ sở quy định pháp luật, mà không có thoả thuận gì khác. Vì là chỗ quen biết nên chị A thanh toán cho anh D khoản tiền trên thành một đợt và anh D tiến hành giao xe cho chị A ngay tại thời điểm nhận tiền. Tuy nhiên, trên đường về từ chỗ giao nhận xe, chị A bị người đi đường gây tai nạn, thiệt hại cả về người và tài sản, riêng xe máy của chị A bị vỡ yếm xe và rách yên xe. Chị A thuật lại với anh D và anh D cho rằng chị A phải chịu toàn bộ rủi ro này vì chị A đã thanh toán và anh D đã giao xe.

Về nội dung thắc mắc của anh D., Luật sư Nguyễn Hoài Nam  - Văn phòng luật sư Hoàng Huy - nhận định: 

Theo khoản 3 Điều 6 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe”.

Về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu: Điều 439 Bộ luật dân sự quy định: “Ðối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”.

Do đó, quyền sở hữu chiếc xe máy chỉ được chuyển cho chị A khi chị A hoàn thành thủ tục đăng ký xe theo quy định.

Về việc chịu rủi ro đối với tài sản được quy định như sau: Khoản 2 Điều 441 Bộ luật dân sự: Ðối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nếu tại thời điểm giao nhận xe, chị A và anh D đã hoàn thành các thủ tục về đăng kí xe máy đứng tên chị An theo đúng quy định pháp luật thì mọi rủi ro liên quan đến tài sản chị A đều phải chịu.

Ngược lại, nếu hai bên mới chỉ giao nhận xe nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng kí thì trên giấy tờ, anh Hải vẫn đứng tên là chủ sở hữu chiếc xe và chịu rủi ro trong vụ tai nạn này.

Như vậy, để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra, bạn cần yêu cầu người mua xe để thực hiện thủ tục sang tên. Nếu người này vẫn không chịu thực hiện thủ tục sang tên thì bạn có thể thông báo với cơ quan công an nơi bạn đăng ký xe về việc đã chuyển nhượng quyền sở hữu xe (kèm theo chứng cứ của việc chuyển nhượng) để được xử lý và tránh những rủi ro sau này cho mình.

Ngoài ra, trong trường hợp thủ tục sang tên chưa thể thực hiện ngay khi bàn giao xe, thì để phòng ngừa rủi ro, người bán có thể thỏa thuận với người mua về việc chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm bàn giao xe theo quy định tại khoản 2 Điều 411 Bộ luật dân sự.                             

Đọc thêm