Án lệ - hạn chế 'lách luật' do tiêu cực

(PLO) - Qua hơn 1 năm thực hiện quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, án lệ ở Việt Nam đã từng bước đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, số án lệ được công bố chưa nhiều và việc áp dụng cũng chưa phổ biến, đòi hỏi phải có giải pháp phát triển án lệ nhằm hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực của các bên liên quan trong các vụ việc.
Toàn cảnh một hội thảo về án lệ.
Toàn cảnh một hội thảo về án lệ.

Mới áp dụng 1/10 án lệ đã công bố

Thời gian qua, cơ sở pháp lý cho việc công nhận và áp dụng án lệ tại Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Theo đó, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC có nhiệm vụ lựa chọn các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, viện dẫn trong xét xử; quy định các nguyên tắc áp dụng, viện dẫn án lệ trong xét xử. Trên cơ sở các quy định trên, ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Thực hiện Nghị quyết 03/2015, cho đến thời điểm hiện tại, Chánh án TANDTC đã ban hành được 10 án lệ để các tòa án nghiên cứu, viện dẫn trong xét xử kể từ ngày 1/12/2016. Các án lệ được công bố chủ yếu thuộc lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại, hình sự, hành chính. Mặc dù số lượng các án lệ được ban hành còn khiêm tốn nhưng đã thể hiện được quyết tâm của Chánh án TANDTC, các thẩm phán TANDTC; được nhìn nhận là dấu ấn quan trọng về cải cách tư pháp, góp phần minh bạch hóa các bản án, quyết định của tòa án, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau. 

Các án lệ mới được công bố đã phần nào đáp ứng được mong đợi của người dân, khắc phục được các khiếm khuyết và bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của tòa án. Hơn nữa, với việc lựa chọn, ban hành án lệ, xác định trách nhiệm của thẩm phán và HĐXX phải nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử thì sẽ có hiệu quả rất lớn trong việc hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai, hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực của những người tiến hành tố tụng, luật sư và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Liên quan đến tình hình áp dụng 10 án lệ đã được ban hành, đại diện TANDTC cũng cho biết, căn cứ theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, sau khi ban hành 10 án lệ tình hình triển khai áp dụng tại các tòa án đã có kết quả bước đầu. Hiện có tòa án tại Quảng Ngãi đã áp dụng Án lệ số 04 vào xét xử. Nhiều địa phương cho rằng Án lệ số 04 này là cơ sở rất quan trọng để viện dẫn áp dụng trong nhiều vụ án tương tự. 

Phải nâng cao chất lượng bản án

Tuy nhiên, bước đầu áp dụng cũng cho thấy các thẩm phán còn khá lúng túng trong việc viện dẫn, lập luận vào bản án mà họ xét xử và TANDTC vừa có công văn hướng dẫn về vấn đề này. Một thực tế nữa là đa số các bản án, quyết định của tòa án còn tập trung vào những nội dung mang tính sự vụ, lập luận của thẩm phán về đường lối giải quyết vụ việc còn thiếu những nội dung mang tính khái quát cao nên khó có thể lựa chọn được nhiều án lệ có chất lượng tốt.

Để khắc phục được tình trạng trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (TANDTC) Ngô Văn Nhạc cho biết, phải tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong công tác xây dựng và phát triển án lệ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về án lệ và tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước về án lệ để học tập những mặt tích cực, đáp ứng thực tiễn và truyền thống pháp lý của Việt Nam. Đặc biệt, theo ông Nhạc, cần nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án tạo nguồn phát triển án lệ, bảo đảm những lập luận, phán quyết của tòa án trong bản án, quyết định được ban hành có giá trị vận dụng để giải quyết những vụ việc tương tự khác.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, thẩm phán, hội thẩm không bắt buộc phải viện dẫn án lệ một cách cứng nhắc. Họ có quyền không viện dẫn án lệ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp  do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ. Ngoài ra, họ cũng có quyền không viện dẫn án lệ khi có chuyển biến tình hình dẫn tới việc án lệ không còn phù hợp.

Đây cũng chính là của các nước theo hệ thống dân luật như Việt Nam. Mặc dù vậy, Thẩm phán Tòa án Tối cao Hàn Quốc Park Hyun Soo cho biết, các thẩm phán ở Hàn Quốc đều công nhận giá trị của những án lệ này và thường xét xử theo định hướng mà án lệ đã đưa ra. Theo ông Park, tại Hàn Quốc, những bản án được công bố thành án lệ chứ không phải qua quy trình nào cả và án lệ cũng được coi là nguồn để tham khảo đối với những vụ án trong tương lai. Bên cạnh đó, hàng năm Hàn Quốc đều xuất bản tuyển tập án lệ và có cả những bình luận xung quanh án lệ. Những quan điểm của Tòa án Tối cao đưa ra trong những án lệ đó rất chặt chẽ. Kinh nghiệm này của Hàn Quốc rất phù hợp với kiến nghị của đại diện TANDTC nêu trên.

Đọc thêm