“Áp” tiêu chuẩn, điều kiện cao đối với hòa giải viên tại Tòa

(PLVN) - Do những vụ việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án thường có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp nên đòi hỏi hòa giải viên phải am hiểu pháp luật chuyên ngành, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần quy định rõ ràng, tách bạch các điều kiện bổ nhiệm đối với từng đối tượng hòa giải viên.
Một buổi hòa giải tại Tòa. (Ảnh minh họa)
Một buổi hòa giải tại Tòa. (Ảnh minh họa)

Sáng 25/5, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến tập trung thảo luận về tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên. 

Cụ thể, nhiều ý kiến tán thành với quy định tại dự thảo Luật về tiêu chuẩn của hòa giải viên. Theo đó, ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (thẩm phán, kiểm sát viên…) thì luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét, bổ nhiệm làm hòa giải viên. 

Một số ý kiến cho rằng, quy định thời gian 10 năm như trên là quá dài, chỉ cần quy định 5 năm là đủ.

Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo dự thảo Luật thì đối tượng hòa giải, đối thoại thường là những vụ việc có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi hòa giải viên phải am hiểu pháp luật chuyên ngành, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. 

Thực tiễn thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy, hầu hết đội ngũ hòa giải viên là các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thanh tra viên đã nghỉ hưu, các luật sư, chuyên gia có nhiều năm làm công tác pháp luật nên đã thực hiện tốt nhiệm vụ của hòa giải viên và giải quyết hiệu quả các tranh chấp. 

Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt cao vừa qua (78,08%) và đến nay chưa có vụ việc nào các đương sự đề nghị xem xét lại.

Tuy nhiên, qua thảo luận, có đại biểu đề nghị quy định những người có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên bao gồm cả thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên đã nghỉ hưu.

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang) thống nhất quan điểm cho rằng hòa giải viên am hiểu pháp luật, nội dung pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Do đó, dự thảo Luật đã thể hiện ở yêu cầu rất cao đối với một số chức danh tư pháp như thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký Tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên, viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên đã nghỉ hưu. 

Để tương xứng, Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định thêm tiêu chí ràng buộc đối với nhóm đối tượng chuyên gia, nhà chuyên môn khác và nhóm đối tượng là người có hiểu biết về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tán thành đề xuất trên, Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) cũng đề nghị cần quy định rõ ràng, tách bạch các điều kiện bổ nhiệm đối với từng nhóm đối tượng hòa giải viên. 

Chẳng hạn, với nhóm đối tượng đã là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký Tòa án, kiểm sát viên, chấp hành viên thi hành án dân sự sau khi được nghỉ hưu, xem xét bổ nhiệm thành hòa giải viên, những đối tượng này chỉ cần thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản a và điểm c khoản 1 Điều 10. 

Nhóm đối tượng thứ hai mà dự thảo Luật quy định luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, theo ông Sơn là không hợp lý, vì đây là những người có trình độ chuyên môn về pháp luật chuyên nghiệp, tham gia giải quyết nhiều vụ án lớn, phức tạp. Ông đề nghị là 5 năm vì quy định 10 năm như dự thảo là quá dài, không phù hợp với thực tiễn và không thu hút được những người có đủ khả năng để tham gia hòa giải. 

Nhóm đối tượng thứ ba là những người có hiểu biết về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư, nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 10 thì có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên. Thời gian có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải với nhóm đối tượng này cũng chỉ cần 5 năm nhưng nhóm đối tượng này phải bảo đảm hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ theo quy định. 

Ngoài ra, ông Sơn đề nghị bổ sung thêm đối tượng là hội thẩm viên sau khi thôi không làm hội thẩm thì có thể được xem xét để bố trí làm hòa giải viên.

Đọc thêm