Ba “ngay” là điểm mới trong hoạt động trợ giúp pháp lý

(PLO) - Trường hợp người yêu cầu chưa thể cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý (TGPL) và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL nhưng cần thực hiện TGPL ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi kiện, sắp đến ngày xét xử... thì vụ việc được thụ lý ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu TGPL bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TAND tỉnh Kiên Giang chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với 03 bị cáo về tội Giết người, Che giấu tội phạm. Trong đó, bị cáo H (cư trú ở tỉnh An Giang) bị Viện kiểm sát truy tố về tội che giấu tội phạm nên không thuộc trường hợp Đoàn Luật sư chỉ định luật sư bào chữa cho H. Quá trình điều tra, H đều nhận mình là người dân tộc Kinh, không thuộc diện người được TGPL. Tuy nhiên, đến gần ngày xét xử Thư ký Tòa án mới phát hiện H là người dân tộc Khmer, hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn cần được TGPL nên thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước.

Tình thế gấp rút, Trung tâm TGPL nhà nước có cử Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho H khi H chưa có giấy tờ chứng minh là người được TGPL (người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc thuộc hộ nghèo, cận nghèo...), trong khi ngày xét xử đã cận kề, khả năng hoãn phiên tòa là rất thấp.

Trước đây, Luật TGPL năm 2006 quy định người tiếp nhận đơn yêu cầu TGPL phải kiểm tra các nội dung có liên quan đến yêu cầu TGPL; nếu yêu cầu TGPL thuộc vụ việc, đối tượng, phạm vi TGPL thì phải thụ lý. Trong trường hợp người được TGPL còn thiếu những giấy tờ chứng minh là người được TGPL hoặc giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL thì người tiếp nhận yêu cầu phải hướng dẫn họ cung cấp các giấy tờ, tài liệu đó (Điều 34).

Khi người được TGPL yêu cầu cử người tham gia tố tụng để bào chữa/bảo vệ, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Trung tâm TGPL nhà nước hoặc tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng (Điều 39). Vì vậy, nếu chiếu theo quy định trước đây, yêu cầu TGPL của bị cáo H chưa thể đáp ứng ngay do chưa có thủ tục như: Đơn yêu cầu TGPL, giấy tờ chứng minh là người thuộc diện TGPL. 

Để đảm bảo vụ việc TGPL được kịp thời, Luật TGPL năm 2017 quy định người tiếp nhận yêu cầu phải kiểm tra các nội dung có liên quan đến yêu cầu TGPL và trả lời ngay cho người yêu cầu về việc hồ sơ đủ điều kiện để thụ lý hoặc phải bổ sung giấy tờ, tài liệu có liên quan (khoản 2 Điều 30).

Trường hợp người yêu cầu chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ quy định nhưng cần thực hiện TGPL ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi kiện, sắp đến ngày xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu TGPL cho tổ chức thực hiện TGPL hoặc để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL thì người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện TGPL và thụ lý ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu TGPL bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết (khoản 4 Điều 30).

Đây là điểm mới, hoàn toàn khác biệt so với Luật TGPL năm 2006 là: “trả lời ngay”, “thụ lý ngay”, “trợ giúp pháp lý ngay” cho người được TGPL, nhằm hạn chế tối đa việc bỏ sót đối tượng được TGPL do chưa đủ thủ tục hành chính trong hoạt động TGPL, thể hiệm cam kết của Nhà nước “bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý” cho người được TGPL. 

Khi người được TGPL yêu cầu cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm cử người thực hiện TGPL. Trường hợp người được TGPL là người bị bắt, người bị tạm giữ yêu cầu cử người thực hiện TGPL, trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm thụ lý, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm cử người thực hiện TGPL.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của bị can, bị cáo, người bị hại là người được TGPL theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền THTT có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước tại địa phương.

Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền THTT, Trung tâm TGPL nhà nước có trách nhiệm thụ lý theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật này và cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng (Điều 31).

Như vậy, ngay sau khi nhận được thông báo của Thư ký Tòa án, Trung tâm TGPL nhà nước có trách nhiệm cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng ngay để bào chữa cho bị cáo H, đồng thời hướng dẫn gia đình H bổ sung các giấy tờ chứng minh là người dân tộc thiểu số (khmer) và đối chiếu với nơi cư trú (vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) hoặc bổ sung giấy tờ nếu thuộc người được TGPL khác như hộ nghèo, cận nghèo…

Đọc thêm