Ban hành quy định về đạo đức nghề công tác xã hội

(PLO) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có Thông tư số 01/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2/2/2017 quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác xã hội (gọi tắt là đạo đức nghề công tác xã hội). 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tư áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động và cộng tác viên công tác xã hội làm việc trong các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tại cộng đồng, có làm việc trực tiếp với đối tượng trong lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các lĩnh vực liên quan khác.

Thông tư số 01/2017/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/3/2017, xác định, nghề công tác xã hội là “những hoạt động chuyên nghiệp” nhằm giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Theo đó, đạo đức nghề công tác xã hội là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi phù hợp với đặc thù nghề công tác xã hội.

Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác xã hội là các chuẩn mực đạo đức mà người làm công tác xã hội phải tuân thủ trong quá trình thực hành công tác xã hội, quan hệ xã hội với đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội, đồng nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan và mối quan hệ tại nơi làm việc.

Phải xác định rõ ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp

Tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội nêu rõ các nguyên tắc cơ bản của công tác xã hội mà người làm công tác xã hội phải tuân thủ. Một là, phải tôn trọng và phát huy quyền lựa chọn, quyền quyết định mà không phân biệt giá trị, niềm tin, tư tưởng và cuộc sống của đối tượng và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hai là, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của đối tượng bằng cách giúp đối tượng tự quyết định và giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống. Ba là, tập trung vào điểm mạnh, tận dụng các nguồn lực sẵn có của đối tượng để thúc đẩy việc trao quyền.

Thứ tư, người làm công tác xã hội phải chịu trách nhiệm đối với các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội, bảo đảm đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp và chất lượng. Năm là, thúc đẩy công bằng xã hội, bảo đảm cung cấp nguồn lực một cách công bằng, minh bạch theo nhu cầu của đối tượng. Sáu là, tôn trọng sự đa dạng, không phân biệt đối xử về khả năng, tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, tình trạng kinh tế - xã hội, màu da, chủng tộc, quốc tịch, quan điểm chính trị, tín ngưỡng tôn giáo và các đặc điểm sức khỏe của đối tượng.

Người làm công tác xã hội cũng phải tuân thủ 7 yêu cầu về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, không được lạm dụng các mối quan hệ với đối tượng để vụ lợi cá nhân; xác định rõ ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp; Tâm huyết, trách nhiệm, chủ động và sáng tạo trong việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp cho đối tượng; Kiên nhẫn, thấu hiểu, chia sẻ và quan tâm đối với đối tượng; Đặt lợi ích của đối tượng là quan trọng nhất trong quá trình hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội; Chịu trách nhiệm về các hoạt động nghề nghiệp của mình theo quy định của pháp luật; Giữ gìn sự đoàn kết với các đồng nghiệp; không lợi dụng, chia rẽ mối quan hệ giữa các đồng nghiệp; Chăm sóc bản thân và xây dựng hình ảnh phù hợp để đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tuân thủ kỷ luật nghề nghiệp: Phải có năng lực và yêu nghề!

Theo quy định về tuân thủ kỷ luật nghề nghiệp được nêu tại Thông tư nói trên, người làm công tác xã hội phải tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, phải hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội trong phạm vi nhiệm vụ được giao và không được từ chối yêu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp của đối tượng.

Bên cạnh việc bảo mật thông tin liên quan đến đối tượng, thực hiện việc chia sẻ thông tin theo quy định của pháp luật hoặc có ý kiến đồng ý của đối tượng và người quản lý chuyên môn, người làm công tác xã hội phải tôn trọng quyền được xem hồ sơ của đối tượng và nếu trong trường hợp từ chối, phải lập biên bản nêu rõ lý do cho đối tượng.

Người làm công tác xã hội phải tôn trọng, chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ đồng nghiệp trong mối quan hệ công việc và xã hội, sẵn sàng hợp tác với các đối tác, chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội và lĩnh vực khác có liên quan.

Bên cạnh yêu cầu sử dụng ngôn ngữ, văn phong chính xác, chuẩn mực trong các hoạt động truyền thông, giao tiếp với đồng nghiệp và đối tượng, người làm công tác xã hội phải thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng và nhận thức về chuyên môn công tác xã hội, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn nghề nghiệp công tác xã hội theo quy định của pháp luật, có kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ công tác xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo để phục vụ cho công việc, có trách nhiệm và khả năng hợp tác làm việc trong các nhóm liên ngành, có khả năng tham vấn ý kiến đồng nghiệp và đối tượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công tác xã hội, có khả năng tạo lập mối quan hệ trong xã hội, uy tín, liên kết và giới thiệu những chuyên gia giỏi, tổ chức có uy tín đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đối tượng. Một yêu cầu về kỷ luật nghề nghiệp mà người làm công tác xã hội phải tuân thủ nữa là luôn yêu nghề và bảo vệ uy tín nghề nghiệp. 

Đọc thêm