Băn khoăn về đề xuất đăng ký quốc tịch tàu bay

(PLO) - Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi về đăng ký quốc tịch tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay mà Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trì xây dựng, cơ quan này đề nghị các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký nếu do cơ quan nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ mục tiêu quản lý của điều kiện này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2015/NĐ-CP ngày 18/8/2015 của Chính phủ quy định đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay.

Về tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị, so với Nghi định 68/2015/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định điều chỉnh quy định về các tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị trong các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam (đăng ký mới; đăng ký tạm thời; cấp lại); xóa đăng ký; đăng ký quyền sở hữu tàu bay (đăng ký quyền chiếm hữu; đăng ký cấp lại; xóa đăng ký); cấp mã số AEP, đăng ký văn bản IDERA (cấp mới, xóa đăng ký).

Theo đó, thay vì chỉ cần cung cấp “Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký” như trước đây, Dự thảo mới người đề nghị sẽ phải cung cấp “Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) giấy tờ, tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký; trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp thì các giấy tờ, tài liệu này phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, Dự thảo đã bổ sung thêm yêu cầu thủ tục phải hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ, tài liệu đăng ký do cơ quan nước ngoài cấp. 

Theo quan điểm của các chuyên gia, các hiệp hội mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận, đề xuất này của Dự thảo cần xem xét lại. Bởi, trong hầu hết các thủ tục tại Nghị định 68/2015/NĐ-CP, Dự thảo đã bỏ quy định “tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự” nhằm giảm bớt chi phí về thời gian, tài chính cho các doanh nghiệp, góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Do vậy, việc bỏ quy định về hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu nước ngoài, trong khi lại bổ sung thêm yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị, dường như là sự thiếu nhất quán về chính sách và chưa đơn giản, thuận lợi hơn về thủ tục (vì bỏ thủ tục này nhưng lại thêm thủ tục tương tự ở giấy tờ khác).

Trong khi đó, Ban soạn thảo về việc bổ sung quy định này không chỉ ra những rủi ro pháp lý mà việc không hợp pháp hóa lãnh sự đối với các tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký gây ra trên thực tế. Vì vậy, quy định này tại Dự thảo trở nên thiếu rõ ràng về mục tiêu chính sách cũng như căn cứ thực tiễn.

“Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định hiện hành, tức là “Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký” – văn bản của VCCI gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị.

Đọc thêm