Băn khoăn việc tạo cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách cho Thủ đô

(PLO) - Hôm qua (20/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn khi một mặt Hà Nội cần thiết cần có cơ chế đặc thù để mạnh mẽ phát triển, một mặt nguồn ngân sách trung ương đang rất khó khăn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dư nợ vay của TP Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc xin ý kiến về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, so với Nghị định số 123/2004/NĐ-CP và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP thì Dự thảo Nghị định lần này được kế thừa và bổ sung một số nội dung quan trọng nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương, đảm bảo cân đối tích cực trong phạm vi an toàn, an ninh tài chính quốc gia và từng bước phù hợp với khả năng ngân sách trung ương.

Bộ trưởng Dũng cho hay, Nghị định sẽ cho phép các địa phương được phép bội chi ngân sách thay vì được phép huy động như Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), được tổng hợp vào bội chi NSNN do Quốc hội quyết định hàng năm. Với mức dư nợ, để việc vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ của từng địa phương, Luật NSNN mức dư nợ vay của TP Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp thay vì mức dư nợ tính trên dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố như Luật NSNN. 

Về bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương so dự toán Thủ tướng Chính phủ giao thì Nghị định không quy định ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Hà Nội tương ứng toàn bộ tổng số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao, mà quy định Hà Nội được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương, nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và không cao hơn số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước. “Việc quy định này nhằm đảm bảo ngân sách trung ương có nguồn để bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Đinh Văn Nhã cho rằng: Dự thảo Nghị định quy định mức dư nợ vay của Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là thống nhất với quy định tại điểm a khoản 6 Điều 7 của Luật NSNN năm 2015. Ông Nhã cũng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ vì thấy rằng so với quy định hiện hành thì quy định mới  về mức dư nợ vay không quá 60% theo Luật NSNN năm 2015 đã cao hơn khoảng 1,5 lần để bảo đảm cho Hà Nội có nguồn lực phát triển.

Không để Hà Nội thua thiệt so với hiện tại

Băn khoăn Nghị định trên có tạo cơ chế đột phá hơn để Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn hay không, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Luật Thủ đô cho phép Thủ đô sử dụng 100% các khoản vượt thu, còn Chính phủ cho phép 30%. So với bản Chính phủ trình thì so với hiện hành hạn chế hay đặc thù hơn hay không?”.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, bản thân ông rất chia sẻ với Hà Nội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các địa phương đã vượt thu nhưng ngân sách trung ương mới chỉ được hơn 83,6%, không đạt mục tiêu đề ra. Thêm nữa, trong những năm tới với việc giá dầu sụt giảm, lộ trình thuế quan phải cắt giảm dẫn tới việc cân đối ngân sách trung ương sẽ rất khó khăn. Vậy nên cần cân nhắc thưởng Hà Nội khi Trung ương đang khó khăn.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng, nếu Nghị định sử dụng mức 30% phần vượt thu, kém hơn các nơi khác thì không được. Theo bà, cần không để Hà Nội thua thiệt so với các địa phương hiện tại. Chính vì thế Chính phủ cần cân nhắc triển khai khẩn trương Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công vì nó sẽ rất có lợi cho sự phát triển của Hà Nội.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng việc thực hiện cơ chế đặc thù của Hà Nội trước tiên cần thực hiện đúng Luật Thủ đô và Luật Tài chính, ngân sách. Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh, nếu cần thiết phải “thắt lưng buộc bụng” để xây dựng một Thủ đô đàng hoàng. Và điều cần thiết phải xem việc Hà Nội cho thấy việc đổi mới trong 5 năm, 10 năm tới như thế nào.

Cho ý kiến lần thứ hai, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần thông cảm với khó khăn của NSNN và đây là bài toán khó, cố gắng hài hòa đảm bảo mục tiêu yêu cầu đề ra. “Còn đối với cơ chế đặc thù là cần thiết nhưng phải đúng luật và phải có sự đột phá mạnh mẽ để Thủ đô phát triển. Cùng với cơ chế tài chính, Chính phủ nên nghiên cứu đề nghị của Hà Nội để tạo sự năng động nhạy bén. Nguyên tắc cốt yếu là không làm nguồn lực yếu đi chứ ban hành mà làm hẹp hơn thì không nên ban hành”, bà Ngân nhấn mạnh.  

Tại phiên họp của UBTVQH cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, Đoàn ĐBQH diễn ra sáng qua (20/12), Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng giám sát của QH, UBTVQH là mang tính chất chính trị, đi sâu vào chính sách, tổ chức thực hiện chính sách để có thể điều chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp và nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền nên khác với thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Do vậy, ông đề nghị khi tiến hành giám sát thì phải làm sao để nâng cao được hiệu lực, hiệu quả và đặc biệt gọn nhẹ.  Mỗi năm, mỗi địa phương chỉ có 2-3 đoàn giám sát là cùng. Cùng ngày, UBTVQH đã thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí tòa án.

Đọc thêm