Bằng cấp và kinh nghiệm có đảm bảo đạo đức nghề nghiệp?

(PLO) - Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần phải xem xét lại nhiều điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng, như điều kiện về vốn tối thiểu 30 tỷ đồng, về nhân lực quản lý, phương án kinh doanh, về đối tác…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cung cấp thông tin cần phải bảo đảm bằng tiền?

Theo quy định tại Nghị định 57/2016/NĐ-CP thì để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về vốn tối thiểu (30 tỷ đồng), về nhân lực quản lý (phải có bằng đại học, kinh nghiệm làm việc…), về phương án kinh doanh (phải khả thi); về đối tác (phải có tối thiểu 20 ngân hàng đồng ý cung cấp thông tin).

Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của NHNN Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bãi bỏ quy định này. Bởi yêu cầu về vốn pháp định thường áp dụng đối với những ngành, nghề mà yếu tố vốn tác động trực tiếp đến các lợi ích công cộng quan trọng, theo diện rộng, nhưng hoạt động cung cấp thông tin ngân hàng không có tính chất đặc thù trên.

Còn nếu mục tiêu của quy định về vốn nhằm hướng đến bảo đảm hoạt động của “công ty thông tin tín dụng hiệu quả, phát triển bền vững” như giải trình của NHNN, thì VCCI cho rằng đây là mục tiêu chưa phù hợp với quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư 2014 (vì đảm bảo các lợi ích công cộng). Việc đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là vấn đề thuộc về thị trường và tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng nếu muốn tồn tại và cạnh tranh, đây không phải là yếu tố tác động đến các trật tự công, do đó Nhà nước không cần thiết phải can thiệp.

Bằng cấp và kinh nghiệm có đảm bảo đạo đức nghề nghiệp? 

Một điều kiện khác cũng bị đề nghị xem xét là điều kiện về văn bằng chuyên môn và kinh nghiệm của nhân lực quản lý. Nghị định 57 quy định khá nhiều điều kiện ràng buộc đối với Ban quản lý, điều hành của doanh nghiệp, và một trong những mục tiêu đặt ra là nhằm hạn chế những “rủi ro đạo đức đối với hoạt động này”. Tuy nhiên, chưa có gì chỉ ra các điều kiện về học vấn và kinh nghiệm làm việc có thể đảm bảo được mục tiêu trên.

Hơn nữa, kiểm soát quá nhiều cá nhân từ chủ tịch HĐQT, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty đến từng thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên  hợp danh, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc đến thành viên ban kiểm sát là quá rộng và quá chặt chẽ. Đây cũng là rào cản đáng kể cho các doanh nghiệp muốn gia nhập vào thị trường này.

Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, quy định về điều kiện của ban quản lý, người điều hành doanh nghiệp nên được sửa đổi theo hướng chỉ kiểm soát điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, điều kiện áp dụng nên là điều kiện về nhân thân liên quan của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (ví dụ chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính/truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực về tín dụng, thông tin tín dụng hoặc các vi phạm liên quan đến xâm phạm bí mật thông tin của cá nhân, tổ chức).

Kiểm soát số lượng đối tác để làm gì?

Các chuyên gia pháp luật cũng cho rằng, yêu cầu phải có phương án kinh doanh khả thi là điều kiện can thiệp sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp và ít ý nghĩa, bởi  phương án kinh doanh của mỗi doanh nghiệp có thể phải thay đổi tùy theo diễn biến của thị trường và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, phương án kinh doanh tại thời điểm cấp phép có thể được thay đổi ngay sau đó. Cơ quan nhà nước cũng không thể yêu cầu doanh nghiệp mỗi khi thay đổi phương án kinh doanh lại phải nộp báo cáo. Mặt khác, căn cứ nào để cơ quan nhà nước đánh giá phương án kinh doanh có khả thi hay không? 

Tương tự, về điều kiện đối tác, cộng đồng doanh nghiệp không rõ mục tiêu của quy định về số lượng tối thiểu các ngân hàng đối tác và tính độc quyền của công ty thông tin tín dụng trong quan hệ với các ngân hàng đối tác này là gì?

“Nếu mục tiêu của quy định này là để kiểm soát trước quan hệ giữa công ty tài chính cung cấp dịch vụ và đối tác ngân hàng thì điều kiện này là không cần thiết bởi Nghị định 10 đang thiết kế một cơ chế kiểm soát khá chặt chẽ nhằm quản lý quy trình và phạm vi cung cấp thông tin tín dụng (áp đặt điều kiện để được cấp phép hoạt động đối với chủ thể cung cấp thông tin tín dụng; giới hạn về các thông tin tín dụng được thu thập; đặt các yêu cầu về xử lý thông tin tín dụng, lưu giữ thông tin tín dụng…)” – VCCI nhận định.

“Còn nếu mục tiêu của quy định này là để bảo đảm nguồn cung cho công ty thông tin tín dụng thì hoàn toàn không cần thiết bởi đây là vấn đề của thị trường”. Vì những bất cập đó nên cộng đồng doanh nghiệp đề xuất bãi bỏ các quy định về điều kiện nói trên. 

Đọc thêm