Bảo hiểm thất nghiệp: “Điểm tựa” cho người lao động giữa dịch bệnh

(PLVN) - Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực dẫn đến việc làm của một bộ phận người lao động bị cắt giảm. Trong lúc này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy tính nhân văn và được coi là “điểm tựa” góp phần giúp NLĐ ổn định cuộc sống.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chế độ NLĐ được nhận khi thất nghiệp do dịch Covid-19

Theo quy định Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, NLĐ thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ sau:

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, trong quý I/2020, cơ quan này đã thực hiện chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 378.178 người với số tiền ước thực hiện là 2.119 tỷ đồng; số người được chi trả hỗ trợ học nghề ước thực hiện là 8.160 người, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019 (7.409 người) với số tiền chi trả ước thực hiện là 18 tỷ đồng. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, những con số trên đã thể hiện vai trò quan trọng của chính sách BHTN, giúp đảm bảo phần nào đời sống của bản thân một bộ phận người lao động (NLĐ) thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.

Trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hàng tháng: Khi NLĐ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định thì được hưởng TCTN hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa), thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia BHTN, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Ngoài ra, NLĐ sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Còn đơn vị sử dụng lao động do dịch bệnh nếu buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Đặc biệt, đối với các trường hợp NLĐ bị thất nghiệp đang chờ nhận TCTN phải đi cách ly y tế hoặc bị nhiễm Covid-19 không thể đến nhận tiền TCTN theo thời hạn quy định (chỉ ảnh hưởng đối với những trường hợp không đến nhận tiền nhưng gần quá thời hạn 3 tháng kể từ ngày hết hạn hưởng ghi trên quyết định), BHXH Việt Nam đang đề xuất cơ quan chức năng cho phép lùi thêm thời gian nhận tiền TCTN bằng thời gian cách ly y tế hoặc điều trị do nhiễm Covid-19 để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định, để được hưởng BHTN, NLĐ hoàn thiện những hồ sơ sau: Đơn đề nghị hưởng TCTN (theo mẫu do Bộ LĐTB&XH quy định); Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của HĐLĐ hoặc HĐLV đã hết hạn; Quyết định thôi việc hoặc quyết định sa thải hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV; Sổ BHXH; 2 ảnh 3 x 4; Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu/sổ tạm trú phô tô nếu nộp hồ sơ hưởng tại nơi cư trú và kèm theo bản gốc để đối chiếu.

Theo đó, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi nghỉ việc NLĐ phải nộp hồ sơ cho Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tại địa phương nơi NLĐ muốn nhận TCTN.

Sau khi nộp hồ sơ, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, NLĐ chưa tìm được việc làm thì TTGTVL thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng TCTN.

Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, TTGTVL ra quyết định duyệt chi trả TCTN kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho NLĐ. Trường hợp NLĐ không được hưởng TCTN thì TTGTVL phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thời điểm tính hưởng TCTN là ngày thứ 16 tính từ ngày nộp hồ sơ. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm có quyết định duyệt chi trả TCTN, cơ quan BHXH tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho NLĐ kèm theo thẻ BHYT.

Hàng tháng, cơ quan BHXH thực hiện chi trả TCTN trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng TCTN tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng TCTN của NLĐ.

Trong quá trình hưởng BHTN, hàng tháng NLĐ phải đến TTDVVL thông báo về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng TCTN (theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định TCTN).

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ theo Điều 49 Mục 3 của Luật Việc làm, NLĐ sẽ được nhận BHTN nếu đáp ứng các điều kiện sau: 

Thứ nhất, NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV), trừ các trường hợp sau đây: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;

Thứ hai, NLĐ đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này.

Thứ ba, NLĐ đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

Thứ tư, NLĐ chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; Chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; Đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

Đọc thêm