Bị tai nạn lao động sẽ được trợ cấp những khoản tiền gì?

(PLO) -Em trai tôi vào làm tại việc tại một công ty xây dựng từ năm 2014. Từ khi vào làm đến bây giờ em tôi tham gia đầy đủ bảo hiểm: BHXH, BHYT... Vào tháng 1 vừa qua, trong lúc đang làm việc thì em trai tôi bị ngã dàn giáo. 

Hậu quả là em trai tôi bị gãy xương sườn, xương đầu gối và một số chấn thương vùng khác. Hiện tại em trai tôi đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Tôi muốn hỏi, trong trường hợp này em trai tôi sẽ được hưởng những quyền lợi gì? (Trần Kim Thu, Ninh Bình)

Trả lời:

Tai nạn lao động tức là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Theo đó, việc em trai bạn bị ngã dàn giáo trong thời gian làm việc thuộc trường hợp tai nạn lao động. Khi đó, em trai bạn sẽ được hưởng những quyền lợi sau:

Từ phía công ty nơi em trai bạn làm việc:

- Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

- Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

-  Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

Và tại Điều 145 Bộ luật lao động 2012 quy định về quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là:

-  Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

-  Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

-  Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

-  Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

Do bạn không nói rõ, việc em trai bạn ngã dàn giáo là do lỗi từ bên nào nên sẽ có những trường hợp sau:

+ Nếu việc ngã dàn giáo là lỗi hoàn toàn từ phía em trai bạn thì khi bị tai nạn em trai bạn được hưởng trợ cấp ít nhất bằng 40% theo quy định trên.

+ Nếu việc ngã dàn giáo mà em trai bạn không có lỗi thì khi bị tai nạn em trai bạn sẽ được hưởng ít nhất bằng 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Về phía cơ quan bảo hiểm:

Do bạn không nói rõ em trai bạn bị thương tật bao nhiêu phần trăm nên có thể em trai bạn sẽ được BHXH tri trả trợ cấp 1 lần hoặc hàng tháng do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Việc trợ cấp này được quy định như sau:

Tại Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về trợ cấp một lần do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là: 

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

+ Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

+ Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Tại Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về trợ cấp hàng tháng do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

+ Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. 

Đọc thêm