Biện pháp khẩn cấp tạm thời có đương nhiên bị hủy?

(PLVN) - Bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị hủy thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đương nhiên bị hủy.
Biện pháp khẩn cấp tạm thời có đương nhiên bị hủy?

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nhiều trường hợp Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, trên thực tế đã phát sinh những trường hợp: Trong vụ án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sau đó bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm thì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có đương nhiên bị hủy không? Trường hợp Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị hủy thì khi thụ lý lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giải quyết như thế nào?

Điều 112 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:

“1. Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.

2. Tại phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định”.

Khoản 1 và khoản 3 Điều 138 của Bộ luật này quy định:

“1. Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;

b) Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;

c) Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật Dân sự;

d) Việc giải quyết vụ án được đình chỉ theo quy định của Bộ luật này;

đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng theo quy định của Bộ luật này;

e) Căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn;

g) Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

h) Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật này.

3. Thủ tục ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này. Trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì việc giải quyết yêu cầu hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán được Chánh án của Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phân công giải quyết”.

Căn cứ các quy định nên trên, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã hướng dẫn rằng, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thể hiện ở một quyết định của Tòa án hoặc ghi nhận trong bản án và được thực hiện theo trình tự, thủ tục riêng biệt; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị. Do đó, việc bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị hủy thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đương nhiên bị hủy.

Trường hợp bản án bị hủy, giao hồ sơ cho Tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết lại vụ án thì việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Chương VIII, từ Điều 111 đến Điều 142 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đọc thêm