Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết thủ tục phá sản

(PLO) - Theo Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC  hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản, có 9 nhóm căn cứ để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 70 của Luật Phá sản.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản (kể từ thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản) người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn theo quy định tại Luật Phá sản, quản tài viên, doanh nghiệp (DN) quản lý, thanh lý tài sản có quyền yêu cầu TAND có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản ra quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật Phá sản để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) mất khả năng thanh toán, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Căn cứ áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Có 9 nhóm căn cứ áp dụng BPKCTT được Hội đồng Thẩm phán TANDTC đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết này. 

Thứ nhất, cho bán hàng hoá dễ bị hư hỏng, hàng hoá sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hoá không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết phá sản mà có hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác là tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán ở thời kỳ thu hoạch hoặc không thể bảo quản được lâu dài.

Thứ hai, kê biên, niêm phong tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản của DN, HTX có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản.

Thứ ba, tài sản bị kê biên, niêm phong được thu giữ, bảo quản tại cơ quan thi hành án dân sự (THADS) có thẩm quyền hoặc lập biên bản giao cho DN, HTX hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án.

Thứ tư, phong tỏa tài khoản của DN, HTX tại ngân hàng, phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được áp dụng nếu việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo toàn tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

Thứ năm, niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu liên quan của DN, HTX được áp dụng nếu việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo toàn tài sản, tài liệu của DN, HTX mất khả năng thanh toán, bảo đảm cho việc giải quyết phá sản.

Thứ sáu, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán được áp dụng nếu có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đó cho người khác.

Thứ bảy, cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án, người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản của DN, HTX có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Thứ tám, cấm hoặc buộc DN, HTX, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện một số hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có căn cứ cho thấy DN, HTX, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết phá sản hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ việc phá sản đang được Tòa án giải quyết.

Thứ chín, buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động được áp dụng nếu việc giải quyết phá sản có liên quan đến yêu cầu trả tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và cần thiết.

Ngoài ra, còn có thể áp dụng các BPKCTT khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT; hiệu lực của quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT; khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT; giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Các quyết định này phải được gửi cho VKSND cùng cấp, cơ quan THADS cùng cấp, quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản, DN, HTX bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và người khác liên quan.

Việc thi hành quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT được thực hiện theo quy định của pháp luật về  THADS.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đề xuất các trường hợp Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT. Cụ thể, khi thuộc một trong các trường hợp: Căn cứ của việc áp dụng BPKCTT không còn; thẩm phán ra quyết định không mở thủ tục phá sản; Tòa án ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản; Tòa án quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 95 của Luật Phá sản; người yêu cầu áp dụng BPKCTT đề nghị hủy bỏ; quyết định áp dụng BPKCTT không đúng theo quy định của Luật này. 

Đọc thêm