Bộ pháp điển được tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật

(PLO) - Hôm qua (26/7), trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia (NLD), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển.
Bộ pháp điển được tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho biết, theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg, lộ trình xây dựng Bộ pháp điển chia thành 3 giai đoạn và hiện đã cơ bản kết thúc giai đoạn đầu.

Trong giai đoạn 2014 – 2017, theo kế hoạch chỉ phải thực hiện pháp điển xong 8 chủ đề nhưng tính đến nay đã hoàn thành được 36 đề mục thuộc 16 chủ đề (trong đó có chủ đề đất đai), chưa kể còn hàng chục đề mục đã ký thẩm định, đang đợi phê duyệt. Vì vậy, với tiến độ này, ông Ba tự tin vào năm 2020 có Bộ pháp điển, về sớm trước 3 năm so với lộ trình đề ra. 

Trước câu hỏi tại sao Bộ pháp điển không có giá trị pháp lý mà mới chỉ được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật, ông Ba lật ngược vấn đề là “nếu quy định thay thế được văn bản gốc thì liệu chúng ta có đáp ứng được không”, khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực theo thống kê chưa chính thức vào khoảng 10 nghìn văn bản và không ít văn bản chồng chéo nhau.

“Do văn bản nguồn như vậy khiến chất lượng Bộ pháp điển còn nhiều việc phải làm nên chưa thể đặt vấn đề về giá trị pháp lý của Bộ pháp điển” – ông Ba giải thích và cho biết sau khi về đích sớm vào năm 2020, có thể đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc cao hơn là Quốc hội xem xét về giá trị pháp lý của Bộ pháp điển.

Đọc thêm