Bổ sung biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu

(PLO) -Để phù hợp với tinh thần mới của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và các quy định của Luật Đất đai, Luật Hàng không Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam… cũng kế thừa quy định còn phù hợp của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định về Đăng ký biện pháp bảo đảm đã bổ sung thêm 2 biện pháp bảo đảm đó là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản.
Bổ sung biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu

Theo đó, Điều 4 của Dự thảo Nghị định đã bổ sung biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thuộc đối tượng đăng ký. Đồng thời cũng tách bạch rõ 2 trường hợp đăng ký là: trường hợp phải đăng ký (thế chấp quyền sử dụng đất; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển) và trường hợp đăng ký theo yêu cầu (thế chấp động sản trừ tàu bay, tàu biển; thế chấp tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; bảo lưu quyền sở hữu).

Cho đến nay, nước ta đã hình thành và phát triển được một hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trên phạm vi toàn quốc tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đáp ứng được nhu cầu công khai và minh bạch các giao dịch bảo đảm. Qua đó giúp cá nhân, tổ chức có nguồn thông tin để tra cứu, tìm hiểu về tài sản bảo đảm, tình trạng pháp lý của giao dịch bảo đảm trước khi xem xét, quyết định giao kết hợp đồng nói chung và đầu tư, cho vay vốn nói riêng.

Hiện tại, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đang thực hiện đăng ký bảo lưu quyền sở hữu dưới hình thức đăng ký hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán trên cơ sở quy định của khoản 2 Điều 13 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm và Thông tư số 05/2011/TT-BTP.

Tuy nhiên, theo BLDS năm 2015 thì bảo lưu quyền sở hữu được coi là biện pháp bảo đảm (khoản 6 Điều 292), đồng thời theo quy định của BLDS năm 2015 thì “Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký” (khoản 3 Điều 331). 

Theo đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, xét về bản chất, việc đăng ký đối với biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thực chất cũng là đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản, do đó, nếu quy định một thủ tục độc lập dành riêng cho đăng ký biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thì vô hình trung sẽ phá vỡ tính hệ thống của đăng ký biện pháp bảo đảm, đó là phân chia các trường hợp đăng ký theo loại hình tài sản mà không theo từng biện pháp bảo đảm. Chính vì vậy, Dự thảo Nghị định không quy định riêng về thủ tục đăng ký bảo lưu quyền sở hữu. Việc đăng ký bảo lưu quyền sở hữu được thực hiện theo thủ tục chung về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Hiện nay, trong mẫu đơn đăng ký giao dịch bảo đảm đang được áp dụng, tại mục loại hình giao dịch có liệt kê các loại hình giao dịch được đăng ký bao gồm giao dịch bảo đảm và hợp đồng (trong đó có hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán). Trường hợp triển khai đăng ký sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tại mục biện pháp bảo đảm của mẫu đơn đăng ký sẽ được sửa thành “thế chấp” hoặc “bảo lưu quyền sở hữu” cho người yêu cầu đăng ký lựa chọn chứ không phải đăng ký “hợp đồng” như hiện tại đang áp dụng.

Ngoài ra, để đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện của dự thảo Nghị định, tại khoản 2 Điều 7 Dự thảo Nghị định bổ sung quy định: “Việc đăng ký thế chấp tài sản khác, bảo lưu quyền sở hữu được thực hiện trên cơ sở tự kê khai trong hồ sơ yêu cầu đăng ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, tính trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ yêu cầu đăng ký”.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, việc bổ sung biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thuộc đối tượng đăng ký là vô cùng cần thiết, qua đó sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cá nhân, tổ chức, đồng thời cũng đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, thuận lợi trong hoạt động tín dụng, kinh doanh bất động sản.

Đọc thêm