Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tư pháp

(PLO) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV (TTLT số 23) ngày 22/12/2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh.
Hình minh họa
Hình minh họa

Sau 4 năm thực hiện, tại các địa phương, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn hoặc liên tịch hướng dẫn UBND cấp huyện ban hành quyết định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Phòng Tư pháp theo TTLT số 23, đảm bảo phù hợp với thực tế về khối lượng, tính chất, đặc điểm công tác tư pháp cấp huyện.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 TTLT số 23, tổ chức của Phòng Tư pháp được quy định gồm có Trưởng phòng, không quá 03 Phó Trưởng phòng và các công chức khác. Thực hiện TTLT số 23, cơ cấu tổ chức, biên chế của các Phòng Tư pháp trên cả nước là 3.245 người, trong đó có 2.949 công chức và 296 cán bộ hợp đồng. Bình quân đạt 4,5 người/Phòng Tư pháp.

Tuy nhiên, cũng sau thời gian triển khai, theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) việc thực hiện cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp theo quy định của TTLT số 23 (Phòng Tư pháp gồm có Trưởng phòng, không quá 03 Phó Trưởng phòng và các công chức khác) trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế hiện nay về cơ bản là khó khả thi, đòi hỏi cần nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu thực thi nhiệm vụ.

Đối với việc sử dụng con dấu của Phòng Tư pháp: TTLT số 23 không hướng dẫn, quy định cụ thể về việc sử dụng con dấu của Phòng Tư pháp. Tuy nhiên, theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Nghị định số 99/2016/NĐ-CP  ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu (và trước đây là Nghị định 58/2001/NĐ-CP);

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, việc sử dụng con dấu của Phòng Tư pháp là rất quan trọng để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Việc TTLT số 23 không có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng con dấu, tài khoản của Phòng Tư pháp đã dẫn đến những khó khăn, lúng túng nhất định trong quá trình thực hiện tại các địa phương. 

Bên cạnh đó, sau khi TTLT số 23 được ban hành, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục được củng cố, tăng cường theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, đòi hỏi cần được nghiên cứu rà soát, hệ thống hóa trong Thông tư thay thế TTLT số 23, cụ thể trong các lĩnh vực như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (nghiên cứu, bổ sung các nhiệm vụ mới được giao cho các cơ quan tư pháp địa phương theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015);

Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (tổ chức lại Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ trên cơ sở chuyển giao Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp); Về công tác bồi thường nhà nước (nghiên cứu, bổ sung các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp địa phương trong công tác bồi thường nhà nước);

Về công tác trợ giúp pháp lý (nghiên cứu, bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới của các cơ quan tư pháp địa phương trong công tác trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017); Về công tác bổ trợ tư pháp (nghiên cứu, bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới được giao cho các cơ quan tư pháp địa phương trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp).

Cũng theo Dự thảo Thông tư, Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc TƯ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; nuôi con nuôi; hộ tịch; chứng thực; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật. 

 Phòng Tư pháp có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của ubnd cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp.

Đặc biệt, về cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất Phòng Tư pháp có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các công chức khác. Số lượng phó trưởng phòng thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Đọc thêm