Bổ sung, sửa đổi để đương sự đảm bảo quyền, lợi ích khi không đồng tình với bản án

(PLO) - Ngày 31/3/2015, TAND tỉnh X tuyên bản án dân sự phúc thẩm. Đương sự A cho rằng bản án không thỏa đáng nhưng sau khi tự “mày mò”, hỏi người này, người kia, đến tháng 10/2018 mới biết rằng mình có quyền làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm thì đã hết thời hiệu. 

Vấn đề này không phải chỉ diễn ra tại tỉnh X mà có lẽ diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước. Đây cũng không phải chỉ gặp ở đương sự A mà có thể gặp phải ở đương sự B, C… Thực tế cho thấy một số đương sự khi nhận bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhưng do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ nên dù không đồng tình với bản án, cũng không biết làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án (THA). Đặc biệt là sau khi cơ quan THA có quyết định liên quan đến những tài sản lớn bị thi hành như đất đai, nhà cửa, thì đương sự là người phải THA lại liên tục khiếu nại, tố cáo, gây khó khăn cho cơ quan công quyền và gây bức xúc cho người được THA. Trong khi đó, thời hiệu để đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị chỉ vỏn vẹn trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Nếu như phần cuối trong bản án dân sự sơ thẩm có câu ghi rõ về quyền kháng cáo đối với Bản án (mẫu số 52-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP) thì trong bản án dân sự phúc thẩm cũng nên có câu ghi rõ quyền của đương sự trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì đương sự được đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Bởi vì, đương sự dù ở cấp sơ thẩm hay phúc thẩm đều được hưởng quyền “Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 23 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015). Vấn đề là quyền này cần được công khai ngay trong bản án, cả trong bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm.

Vì vậy, thiết nghĩ Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần xem xét bổ sung, sửa đổi Mẫu số 75-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP này 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, trong đó phần cuối của bản án cần có câu: “Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Tương tự như vậy, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần xem xét, bổ sung, sửa đổi Mẫu số 27-VDS “Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự” (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC).

Trong khi chờ Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét nội dung trên, các thẩm phán sau khi tuyên bản án phúc thẩm, cần có giải thích cho đương sự về quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị. Việc này cực kỳ cần thiết, đặc biệt là đối với những đương sự nhận thức pháp luật còn hạn chế. 

Phải chăng, việc đưa nội dung quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị trong bản án phúc thẩm sẽ làm cho TAND Cấp cao hoặc TANDTC “quá tải”? Nếu xét theo thực tế là có, điều này đã, đang và sẽ diễn ra. Đây là vấn đề lớn, phức tạp, tuy nhiên không phải không có cách giải quyết. Một trong những cách giải quyết đó là cần việc thay đổi, cải tiến cách thức làm việc của các tổ chức, cá nhân có liên quan để những đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của đương sự sớm được xem xét. 

Đọc thêm