Buôn bán hàng hóa quốc tế, áp dụng pháp luật nước nào?

(PLO) - Bà Trần Hồng Hải (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) hỏi: Thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, đầu năm 2017, công ty chúng tôi sẽ triển khai ký kết một số hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác tại Canada. Đây là đối tác mới nên chúng tôi còn có nhiều bỡ ngỡ, cũng như chưa có thời gian tìm hiểu về pháp luật của Canada. Tôi nghe nói Bộ luật Dân sự năm 2015 có những quy định mới như đối với hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế thì pháp luật nơi người bán cư trú được áp dụng nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân có đúng không?

Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà huy) trả lời: Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Công ước Viên 1980, viết tắt là CISG), có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam kể từ ngày 01/01/2017. Canada cũng là nước thành viên CISG. Khoản 1 Điều 1 CISG quy định: “1. Công ước này áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có địa điểm kinh doanh tại các quốc gia khác nhau: a. khi các quốc gia này là các Quốc gia thành viên của Công ước này; hoặc b. khi các quy tắc của tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một Quốc gia thành viên của Công ước này”.

Khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định: “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”.

Do đó, Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được ký kết giữa Công ty của bà có địa điểm kinh doanh tại Việt Nam và công ty của đối tác có địa điểm kinh doanh tại Canada sẽ được điều chỉnh bằng CISG nếu như hai bên không loại trừ việc áp dụng CISG. Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải tất cả các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của các nước thành viên CISG cũng được điều chỉnh bằng CISG. Điều 2 CISG quy định CISG không áp dụng đối với việc mua bán: a. hàng hóa để sử dụng vào mục đích cá nhân hoặc gia đình, trừ trường hợp bên bán, vào bất kỳ thời điểm nào trước hoặc vào thời điểm giao kết hợp đồng, không biết và không có nghĩa vụ phải biết hàng hóa được mua để sử dụng vào các mục đích trên; b. thông qua bán đấu giá; c. để thi hành các quyết định hành chính hoặc tư pháp; d. cổ phiếu, chứng chỉ đầu tư, công cụ chuyển nhượng hoặc tiền tệ; e. tàu thủy, máy bay, thủy phi cơ; f. điện năng”. 

Vì vậy, việc bà chưa có thời gian nghiên cứu về pháp luật Canada trong lĩnh vực hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng không ảnh hưởng nhiều đến luật điều chỉnh trong hợp đồng mà doanh nghiệp của bà và đối tác Canada ký kết. Tuy nhiên, bà cũng nên nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật Canada như về thành lập pháp nhân, thẩm quyền người ký kết hợp đồng, năng lực thực tế của công ty đối tác, các điều khoản của hợp đồng để hạn chế rủi ro trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng.

Đọc thêm