Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện

(PLO) - Hiện nay, những người dân không có hợp đồng lao động, không có việc làm ổn định có thể tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già.

Mức hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện

Mức lương hưu hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện được tính như sau:

Người nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;

Nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

Nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:

Năm nghỉ hưu 2018: Số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 16 năm;

Năm nghỉ hưu 2019: Số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 17 năm;

Năm nghỉ hưu 2020: Số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 18 năm;

Năm nghỉ hưu 2021 số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 19 năm;

Năm nghỉ hưu từ 2022 trở đi số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 20 năm.

Theo Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ từ 1 tháng đến 6 tháng tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng tính là 1 năm.

Ví dụ: Ông A hưởng lương hưu từ tháng 10/2016, thời gian đóng BHXH là 28 năm 3 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH là 5.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hàng tháng của ông A được tính như sau:

Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của ông A: Thời gian đóng BHXH của ông A là 28 năm 3 tháng, số tháng lẻ 3 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng BHXH để tính hưởng lương hưu của ông A là 28,5 năm. Theo đó, 15 năm đầu tính bằng 45%; Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28,5 là 13,5 năm, tính thêm: 13,5 x 2% = 27%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của ông A là: 45% + 27% = 72%. Vậy mức lương hưu hàng tháng của ông A là: 72% x 5.000.000 đồng/tháng = 3.600.000 đồng/tháng.

Thời điểm hưởng lương hưu

Theo quy định, thời điểm hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện được tính từ tháng liền kề sau tháng người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định: Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi; Đủ hai mươi năm đóng BHXH trở lên. Đối với trường hợp nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá năm năm so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì được đóng tiếp cho đến khi đủ hai mươi năm.

Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Đọc thêm