Cầm cố chiếc xe mình hùn tiền mua vẫn là phạm tội?

(PLO) - Nợ nần, tài xế taxi mang chính xe taxi mình đang chạy đi cầm cố lấy tiền. Chiếc xe có giá trị 485 triệu đồng, bị cáo đã trả góp cho công ty 168 triệu. Cứ nghĩ mình sở hữu hơn 30% chiếc xe, giờ đem cầm xe lấy 60 triệu, xem như chỉ cầm phần tài sản của chính mình. Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, bị cáo đã đẩy chính bản thân vào con đường tù tội, phải lĩnh mức án 3 năm tù vì tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.  
Hình minh họa
Hình minh họa

Thiếu tiền, tài xế đem xe taxi đi cầm

Bị cáo Nguyễn Kỳ (34 tuổi, quê Quảng Trị). Bị cáo làm nghề lái xe, là tài xế lái xe taxi cho công ty Taxi TC Huế. Ngày 22/6/2016, bị cáo ký hợp đồng ủy quyền sử dụng một chiếc xe ô tô với công ty cổ phần Taxi TC Huế. Theo nội dung hợp đồng, công ty giao cho Kỳ một chiếc xe ô tô hiệu Huyndai, có giá trị 485 triệu đồng, để Kỳ sử dụng kinh doanh taxi theo sự điều hành của công ty. Đây là tài sản do công ty đứng ra vay vốn ngân hàng (thế chấp) để mua và công ty cũng đứng tên chủ xe theo giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô do công an tỉnh Thừa Thiên Huế cấp.

Hợp đồng quy định rõ về lãi suất và phương thức thanh toán; giao nhận và bảo hiểm tài sản; quản lý tài sản; quyền và nghĩa vụ của các bên; xử lý tài sản khi kết thúc hợp đồng… Theo đó, về phương thức thanh toán, Kỳ phải thanh toán cho công ty các khoản gốc, lãi (theo ngân hàng) và các loại phí liên quan khác; thanh toán lần đầu cho công ty số tiền 50 triệu đồng; các lần thanh toán tiếp theo được thực hiện hàng tháng, trong vòng 60 tháng.

Công ty có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ đến hạn hàng tháng phải trả cho ngân hàng. Ngoài ra Kỳ còn phải thanh toán cho công ty các khoản gồm: ăn chia từ doanh thu hàng ngày, chi phí quản lý,…

Cũng theo hợp đồng nêu trên, thì trong thời gian thực hiện hợp đồng này, tài sản (xe ô tô) đứng tên công ty, được công ty thế chấp tại ngân hàng. Ngân hàng giao xe lại cho công ty. Công ty ủy quyền lại cho Kỳ quản lý, khai thác, sử dụng. Kỳ không được phép bán, cho thuê, cầm cố, chuyển nhượng,… hoặc dùng tài sản vào việc đảm bảo trách nhiệm kinh tế, dân sự khác đối với tài sản này. Khi nào Kỳ thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ cho công ty theo hợp đồng, thì công ty sẽ tiến hành thủ tục giải chấp tài sản và thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho Kỳ.

Sau khi nhận xe, Kỳ đã quản lý sử dụng kinh doanh theo đúng hợp đồng với công ty được một thời gian, hàng tháng có thực hiện việc đóng tiền gốc và lãi cho công ty. Tính đến tháng 8/2017, Kỳ đã đóng được 168,6 triệu đồng, tương đương với 34,7 % giá trị chiếc xe khi công ty giao cho Kỳ (là 485 triệu đồng).

Do cần tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, nên sáng 21/8/2017, Kỳ nhờ người quen giới thiệu, đã tìm được chỗ cầm xe ô tô nói trên để lấy số tiền 40 triệu đồng. Hai bên lập một giấy mượn tiền, với nội dung Kỳ mượn của chủ cầm đồ 40 triệu đồng, và để lại một chiếc ô tô làm tin. Phía cầm đồ “cắt” trước tiền lãi 2 triệu đồng và đưa cho Kỳ 38 triệu đồng.

Đến chiều cùng ngày, Kỳ tiếp tục liên hệ lại với chủ cầm đồ để lấy thêm số tiền 20 triệu đồng. Phía chủ cầm đồ lấy trước 1 triệu tiền lãi và đưa Kỳ 19 triệu đồng. Cả hai có ghi thêm vào giấy mượn nợ trước đó. 

Lại nói đến chủ cầm đồ, dù biết đó là xe taxi, nhưng nghĩ đó là xe của bị cáo mua trả góp. Biết bị cáo đã góp được hơn 160 triệu, nên chủ cầm đồ chỉ cho Kỳ cầm 60 triệu. Cả hai đều nghĩ, chỉ cầm trong “phần” tài sản của Kỳ, sẽ không phạm pháp. Sau khi cầm xe, Kỳ bỏ vào TP HCM. Biết Kỳ đã đưa xe ô tô đi cầm, phía công ty taxi đã làm đơn trình báo cơ quan công an điều tra xử lý.

Tại bản kết luận định giá tài sản của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của thành phố Huế xác định, trị giá chiếc xe ô tô tại thời điểm bị Kỳ chiếm đoạt là 360 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền mà Kỳ chiếm đoạt của công ty (trừ đi 34,7% giá trị chiếc xe thuộc sở hữu của Kỳ) là 234,9 triệu đồng.

Chỉ vì cạn nghĩ

Tại phiên tòa, bị cáo khai, từ khi nhận ủy quyền xe đến khi mang xe đi cầm, bị cáo đã nộp cho công ty hơn 160 triệu. Những tháng đầu, bị cáo mỗi tháng nộp khoảng 11 triệu, sau đó thì giảm dần, lên xuống thất thường do ít khách. Tòa hỏi lý do vì sao đang chạy taxi, bị cáo lại không lo làm ăn, tiếp tục đóng tiền cho công ty, lại mang xe đi cầm? Bị cáo nói do mình làm ăn thua lỗ, nên phải cầm xe trả nợ. 

“Bị cáo chạy taxi, vậy làm gì mà thua lỗ?”. Bị cáo ấp úng, hai tay nắm vào nhau cứ vặn vẹo mãi một lúc, sau mới lí nhí nói thật. Do bị cáo ham chơi, nên sinh ra nợ nần. Những lúc thưa khách, bị cáo đậu xe bên đường rồi vô quán quen uống cà phê, chơi bài. Khách đi xe ngày một ít, bị cáo kiếm ít tiền. Chơi bài lại hay thua, đâm ra nợ nần. “Thâm” tiền.

Đến tháng bị cáo không có tiền nộp cho công ty. Đã mấy tháng liền bị cáo không có tiền đóng cho công ty, bị công ty nhắc nhở. Mà nợ nần bên ngoài, người ta cứ sít sao đòi, khiến bị cáo cuống cuồng, lo lắng đến nỗi chân chạy không chạm đất. Vậy là bị cáo đem xe taxi đi cầm lấy tiền trả nợ.

Tòa: “Chiếc xe taxi mà bị cáo đem đi cầm, có một phần thuộc quyền sở hữu của bị cáo. Tại sao bị cáo không đến công ty, thỏa thuận để hủy hợp đồng, lấy lại một phần tiền?”. Bị cáo ảo não bảo, do không hiểu biết pháp luật. Cứ nghĩ chiếc xe đó, bị cáo đã trả góp được hơn 160 triệu, giờ đem đi cầm lấy 60 triệu, xem như bị cáo chỉ lấy lại một phần tiền đã góp.

Sau này chỉ cần công ty bỏ ra 60 triệu chuộc xe về, xem như công ty vẫn còn “lời” cả trăm triệu mà bị cáo đã góp trước đó. Bị cáo tính đi tính lại, nhưng lại không tính đến chuyện bị cáo đã ký hợp đồng với công ty, trước khi chấm dứt hợp đồng, chiếc xe trên vẫn là tài sản của công ty, nên mới phạm vào tội chiếm đoạt tài sản.

Đại diện phía công ty taxi, cũng là bị hại trong vụ án cho biết, việc bị cáo đem xe đi cầm, đã gây tổn hại rất nhiều cho công ty. Tòa hỏi có yêu cầu bị cáo bồi thường không? Phía bị hại nói không yêu cầu bồi thường, đồng thời yêu cầu tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ, để cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất dưới khung hình phạt. 

Vị hội thẩm hỏi đại diện phía công ty taxi, số tiền bị cáo đã góp vào công ty (tương đương với 34% chiếc xe), phía công ty sẽ giải quyết như thế nào? Theo bà, nếu đơn phương hủy hợp đồng, chắc chắn sẽ bị phạt, nhưng không thể phạt 100% số tiền bị cáo đã góp vốn. 

Phía công ty cho biết, trong hợp đồng đã ghi rõ các điều khoản. Sau này, bị cáo có quyền đến công ty để giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng. Vị hội thẩm cũng nhắc nhở bị cáo, do đây là một phiên tòa hình sự, vì vậy không thể giải quyết toàn bộ vấn đề dân sự trong vụ án một cách rốt ráo. Sau này bị cáo thanh lý hợp đồng với công ty, nếu hai bên không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện dân sự. Đại diện phía công ty cho biết sẽ sẵn sàng ra tòa nếu bị cáo khởi kiện dân sự.

Giờ nghị án, bị cáo ngồi chơ vơ một góc. Bị cáo có vợ và hai con. Vợ bị cáo vào Sài Gòn làm công nhân, nên đã đưa cả hai con theo. Ba mẹ bị cáo đã qua đời. Nhà có 5 anh em. Bị cáo là con đầu trong gia đình. Các em bị cáo đã có gia đình, nhưng đều có cuộc sống khó khăn, nên khi bị cáo bị tạm giam, cố gắng lắm, người thân mới bới xách từ Quảng Trị vào Huế, thăm nuôi bị cáo được 2 lần.

Không có tiền, các em bị cáo họp bàn, quyết định bán căn nhà nhỏ như hộp diêm do cha mẹ để lại, thay bị cáo bồi thường 60 triệu đồng tiền bị cáo cầm xe, mong bị cáo được giảm án. Nhưng khi người mua đến xem nhà, thấy trên vách trước nhà có đề bản nhà tình thương, nghĩ là nhà do nhà nước xây cho, nên liền bỏ đi một mạch không dám mua. Các em bị cáo chật vật thêm lần nữa, gom góp, vay mượn khắp nơi, cuối cùng cũng gom được 20 triệu đồng, giúp bị cáo khắc phục hậu quả.

Nếu sau khi cầm xe, bị cáo đến công ty để giải quyết hợp đồng, thì đâu ra nông nỗi. Đằng này bị cáo bỏ đi suốt 6 tháng. Đến khi mọi việc bung bét, bị truy nã, thì sự việc chẳng thể vãn hồi. Theo HĐXX, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, người bị hại xin nhẹ hình phạt, nên tòa quyết định xử phạt bị cáo ở mức thấp nhất dưới khung hình phạt, tuyên bị cáo phải chịu mức án 3 năm tù.

Đọc thêm