Cán bộ xã ở Thái Bình gian lận trong bầu cử có thể bị xử lý hình sự hay không?

(PLVN) - Luật sư cho rằng, với hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu, làm sai lệch kết quả bầu cử, cán bộ xã ở Thái Bình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Liên quan đến vụ việc gian lận phiếu bầu, một xã ở Thái Bình phải tổ chức lại Đại hội Đảng bộ, tối 20/5, đại diện UBND huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho biết, cán bộ xã An Bình (Kiến Xương) gian lận phiếu bầu trong công tác bầu cử tại Đại hội Đảng bộ cơ sở vừa bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

Đối với hành vi của ông Nguyễn Xuân Hoài - Cán bộ văn thư xã An Bình, tổ trưởng Tổ bầu cử Đại hội Đảng bộ xã có hành vi gian lận phiếu bầu (20 phiếu bầu khống, gạch tên người được bầu) làm cho Đảng bộ xã An Bình phải tổ chức lại Đại hội, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - cho rằng: 

Mặc dù ông Hoài đã thú nhận hành vi chuẩn bị phiếu giả và khẳng định không có ai xúi giục làm việc này. Tuy nhiên đó chỉ là qua lời khai của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Để có thể xác định lời khai đó của ông Hoài có đúng sự thật hay không thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thu thập chứng cứ, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ các tình tiết qua đó mới có thể chứng minh được lời khai của ông Hoài có đúng sự thật hay không.

Để tránh bỏ lọt tội phạm, người phạm tội thì Cơ quan chức năng cần phải làm rõ những vấn đề như: Nguyên nhân vì sao ông Hoài lại thực hiện hành vi đó đối với ông Dương, việc thực hiện của ông Hoài có phải do tư thù cá nhân hay là do có sự chỉ đạo, mua chộc, ép buộc, hối lộ từ phía một người nào khác. Hành vi ông Hoài thực hiện giữa đại hội liệu có được sắp sếp, chuẩn bị, phân công và phối hợp giữa những người tổ chức, những người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử với nhau hay không.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
 Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội 

Đối với hành vi của ông Nguyễn Xuân Hoài được phát hiện khi chưa thực hiện trót lọt. Ông này đã bi khai trừ khỏi Đảng và thôi đảm nhận chức vụ. Theo Luật sư Hùng, ngoài biện pháp kỷ luật đó, thì Khoản 1 Điều 161 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định “Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Theo đó hành vi lập các phiếu bầu giả của ông Nguyễn Xuân Hoài là hành vi giả mạo giấy tờ nhằm mục đích làm sai lệch kết quả bầu cử theo ý của mình. Mặc dù đã bị phát hiện kịp thời và chưa dẫn đến hậu quả là sai lệch kết quả bầu cử, tuy nhiên đối với tội phạm này thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm mà chỉ cần có hành vi cố ý giả mạo giấy tờ với mục đích làm sai lệch kết quả bầu cử là tội phạm đã hoàn thành.

Như vậy, ông Nguyễn Xuân Hoài còn có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt đó là “bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Ngoài khung hình phạt chính thì “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Cũng theo Luật sư, đặt giả sử nếu hành vi trót lọt và phải tổ chức lại Đại hội thì theo điểm b khoản 2 Điều 161 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 theo đó với trường hợp hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử của ông Nguyễn Xuân Hoài dẫn đến hậu quả phải “tổ chức lại việc bầu cử” thì ông hoài có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là “bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”.

Ngoài khung hình phạt chính thì “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Đọc thêm