Cần chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý

(PLO) - Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi, bổ sung). Tại Dự thảo này, các quy định về hoạt động trợ giúp pháp lý đã được nâng lên nhằm mục đích  chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL)
Trong 09 năm triển khai thi hành Luật TGPL, công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong 09 năm triển khai thi hành Luật TGPL, công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Để nâng cao chất lượng TGPL, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý, cá nhân và tổ chức tham gia TGPL nhằm chuẩn hóa đội ngũ cung cấp dịch vụ TGPL phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện nay của đất nước. 

Về Trợ giúp viên pháp lý (Điều 18 - Điều 22, khoản 1 và khoản 2 Điều 23, Điều 24): So với Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật TGPL năm 2006, Dự thảo Luật đã bổ sung 01 điểm mới để trở thành Trợ giúp viên pháp lý, đó là yêu cầu phải qua tập sự hành nghề để có kỹ năng cần thiết (Điều 19).

- Về tổ chức và người tham gia TGPL: Nhằm hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, Dự thảo Luật đã chọn lọc, kế thừa yếu tố hợp lý từ quy định hiện hành, đồng thời đưa ra những điều kiện cần thiết (Điều 12) để lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL; duy trì cơ chế đăng ký tham gia thực hiện TGPL (khoản 1 Điều 14) nhằm huy động được các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có kinh nghiệm, uy tín tham gia thực hiện TGPL. Nhà nước kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng do các chủ thể này thực hiện. So với Luật TGPL hiện hành, bên cạnh cơ chế huy động bằng đăng ký tham gia TGPL, Dự thảo Luật đã bổ sung cơ chế ký hợp đồng để lựa chọn các tổ chức và người tham gia TGPL có khả năng cung cấp dịch vụ TGPL chất lượng.

Với định hướng tập trung vào vụ việc TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng và nâng cao chất lượng dịch vụ, Dự thảo Luật không quy định chế định cộng tác viên TGPL. 

Điều này được Ban soạn thảo lý giải: Theo quy định Luật TGPL năm 2006 thì yêu cầu về trình độ Cộng tác viên TGPL không đồng đều, cả những người không có trình độ pháp luật như già làng, trưởng bản... cũng được TGPL, do đó chất lượng của dịch vụ không cao.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành không cấm những người có kiến thức pháp luật và tự nguyện giúp người khác tìm hiểu, giải đáp pháp luật theo quy định của pháp luật có liên quan, nhưng đó không phải là TGPL theo quy định của Luật TGPL. Hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ miễn phí này đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/7/2008 về tư vấn pháp luật.

Như vậy, dù sử dụng nguồn lực của Nhà nước thông qua việc ký hợp đồng hay sử dụng nguồn lực của chính mình thông qua việc đăng ký tham gia, tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện TGPL đều phải bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL cho người được TGPL thông qua các quy định chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ liên quan.

UBPL tán thành quan điểm cần nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý theo lộ trình hợp lý, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ của Nhà nước đối với người dân. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc quy định nâng ngay tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý tương đương tiêu chuẩn của luật sư. 

Bởi vì, Trợ giúp viên pháp lý là một chức danh độc lập, chịu sự quản lý, đánh giá và giám sát hoàn toàn khác biệt so với luật sư. Hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ tham gia tố tụng như luật sư mà phần nhiều là tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các công việc khác không đòi hỏi phải có yêu cầu chuyên sâu như luật sư. 

Theo UBPL Thực tế, số lượng vụ việc tham gia tố tụng mà Trợ giúp viên pháp lý thực hiện là không nhiều (chiếm khoảng 4% trong tổng số vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện).

Trước đó, Quốc hội khóa XI thông qua Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác TGPL phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng. 

Trong 09 năm triển khai thi hành Luật TGPL, công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2007 đến hết năm 2015, các tổ chức thực hiện TGPL đã giải quyết 1.055.294 vụ việc với 1.130.609 lượt người được TGPL, trong đó có 61.120 vụ việc tham gia tố tụng, 982.442 vụ việc tư vấn pháp luật (tư vấn pháp luật thông qua các đợt TGPL lưu động là 499.495 vụ), 11.732 vụ việc khác. 

Hệ thống tổ chức thực hiện TGPL đã được hình thành trên toàn quốc với 63 Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) trực thuộc Sở Tư pháp, 202 Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh) ở cấp huyện và liên huyện, 364 tổ chức tham gia TGPL. Đội ngũ người thực hiện TGPL được củng cố với 595 Trợ giúp viên pháp lý, 1.239 cộng tác viên TGPL là luật sư, 10.632 cộng tác viên khác tham gia TGPL. 

Đọc thêm