Căn cứ tính lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội

(PLO) - Bạn đọc từ mail thaiminh…@gmail.com hỏi: Hàng tháng, đơn vị sử dụng lao động trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định nhưng các quyết định nâng lương, hợp đồng... và mẫu D02-TS nộp sau thời gian quy định thì đơn vị có bị tính lãi chậm đóng bảo hiểm không? 

Cơ quan BHXH căn cứ phần mềm báo các đơn vị nộp chậm và tính lãi, tuy nhiên đối chiếu chứng từ hàng tháng thì không tháng nào đơn vị sử dụng lao động nộp thiếu, nhưng vẫn bị tính lãi. Đơn vị có yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận đối chiếu với đơn vị sử dụng lao động chi tiết từng tháng từ năm 2013 đến nay (gồm các cột: Quỹ tiền lương, các khoản bảo hiểm phải nộp theo tháng, tiền bảo hiểm đã nộp theo tháng, thừa, thiếu, nguyên nhân), nhưng cơ quan BHXH cho biết, chỉ xác nhận biểu mẫu theo quy định của BHXH Việt Nam. Vậy, trong trường hợp nêu trên, cơ quan BHXH không xác nhận thì có đúng quy định không? 

- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 138 Luật BHXH năm 2006; khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014; khoản 2 Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, đơn vị chậm đóng BHXH 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi tính trên số tiền và thời gian chậm đóng. Từ ngày 01/01/2016, sau 06 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm số tiền phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng. Vì vậy, trường hợp từ trước và sau ngày 01/01/2016 đơn vị đã thực hiện trích đóng vào quỹ BHXH đầy đủ, kịp thời nhưng chậm nộp hồ sơ điều chỉnh số tiền đóng BHXH thì không phải nộp tiền lãi chậm đóng.

Đọc thêm