Cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án

(PLO) - Thực tiễn cho thấy, thời gian qua không ít trường hợp thi hành án liên quan đến việc áp dụng quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án chưa cụ thể khiến cơ quan thi hành án dân sự (THADS) không biết phải xử lý như thế nào. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật và tạo thuận lợi cho công tác THADS, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong vụ việc thi hành án, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về vấn đề này tại Luật THADS và các văn bản khác cho phù hợp với thực tiễn.
Một buổi cưỡng chế thi hành án tại Quảng Ninh.
Một buổi cưỡng chế thi hành án tại Quảng Ninh.

Có thể gây khiếu nại kéo dài

Trong quá trình tổ chức thi hành án, do phải thu nhiều khoản khác nhau và không phải lúc nào cơ quan THADS cũng thu đủ số tiền để thanh toán cho tất cả các nghĩa vụ của người phải thi hành án theo quyết định, bản án của Tòa án nên khi chấp hành viên thực hiện việc phân phối tiền có thể gây bức xúc cho người được thi hành án, thậm chí gây khiếu nại kéo dài. Điều 47 Luật THADS 2008, sửa đổi, bổ sung 2014 đã phần nào xác định rõ thứ tự thanh toán tiền thi hành án. Phân chia tiền thu được trong trường hợp người phải thi hành án phải thực hiện nhiều nghĩa vụ thi hành án khác nhau. 

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 47 Luật THADS về việc xử lý, thứ  tự  thanh toán đối với tài sản cầm cố, thế chấp vẫn chưa quy định cụ thể về tiền thuế mà người có tài sản khi bị kê biên phải chịu. Do thực tế, hiện nay có không ít trường hợp khi xử lý kê biên, bán đấu giá tài sản thành thanh toán tiền thi hành án theo đúng quy định nhưng đến giai đoạn tiến hành các thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua bán đấu giá thành thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính, tiền thuế, thu nhập cá nhân… đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng. 

Lúc này, cả cơ quan THADS, tổ chức bán đấu giá, người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người mua trúng đấu giá đều lúng túng không biết chi phí tiền thuế này được trích từ nguồn nào, ai có trách nhiệm thực hiện, chưa kể đến nhiều trường hợp tiền thuế phải chịu rất lớn (nợ thuế nhiều năm). Bởi thế, dẫn đến trường hợp người mua trúng đấu giá khiếu nại, khiếu kiện khi đã mua tài sản thành nhưng không làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu, sử dụng được, còn người phải thi hành án không có khả năng chi trả. Trong trường hợp này, cơ quan THADS cần xử lý số tiền thu được từ việc bán tài sản, cầm cố như thế nào để đảm bảo thứ tự thanh toán khoản nghĩa vụ tài chính người phải thi hành án phải thực hiện đối với Nhà nước là câu hỏi được không ít địa phương đặt ra.  

Bên cạnh đó, qua tổng hợp thực tiễn, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) còn nắm bắt được một số khúc mắc khác. Chẳng hạn, nhiều trường hợp khi cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án thì họ đã yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận về việc họ thực hiện cấp dưỡng nuôi con (được ưu tiên thanh toán trước theo điểm a khoản 1 Điều 47 Luật THADS) 1 lần với số tiền lớn hơn rất nhiều giá trị tài sản của họ để trốn tránh nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định đang có hiệu lực. Hay quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS là chưa phù hợp với nguyên tắc việc thi hành án phải dựa trên đơn yêu cầu thi hành án. 

Một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung 

Đối với vướng mắc về việc thanh toán nghĩa vụ tài chính, tiền thuế đối với tài sản xử lý để thi hành án phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng mà pháp luật THADS và các văn bản liên quan vẫn chưa điều chỉnh kịp thời, đại diện Cục THADS TP Đà Nẵng đề nghị bổ sung khoản 1, 3 Điều 47 Luật THADS theo hướng bổ sung thêm “án phí, lệ phí Tòa án, tiền thuế” vào khoản 1 và sửa đổi, bổ sung thêm “sau khi trừ chi phí cưỡng chế, khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này, án phí của bản án, quyết định đó, tiền thuế…” vào khoản 3. Đồng thời, làm rõ là nghĩa vụ thuế đối với khoản tiền thuế theo hướng đó là tiền thuế phải nộp khi cơ quan thi hành án làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua đấu giá thành tài sản kê biên hay là tiền nợ thuế của người phải thi hành án mà khoản nợ thuế này không được tuyên trong bản án mà phát sinh theo văn bản đề nghị phối hợp của cơ quan Thuế.

Về quy định ưu tiên thanh toán tiền cấp dưỡng nuôi con, Tổng cục THADS khẳng định, đây là mang tính nhân văn và bảo đảm cuộc sống cho người được cấp dưỡng. Tuy nhiên, trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về mức cấp dưỡng vượt quá khả năng về tài chính của người phải thi hành án và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án khác thì cơ quan THADS cần có văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. 

Đọc thêm