Cháu có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế của ông bà?

(PLO) - Anh Trần Văn Đáp (thị xã Hà Tiên – Kiên Giang) hỏi: Ông bà nội tôi có ba người con, hai trai, một gái. Sau khi lập gia đình, ba tôi và cô chú tôi đều ra ở riêng, duy chỉ có tôi là ở với ông bà từ lúc còn nhỏ, đến năm 2016 thì ông bà đều qua đời. 
Cháu có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế của ông bà?

Thời gian trước đây, ông bà tôi đã từng tuyên bố “căn nhà này nữa là của thằng Đáp, không ai có quyền tranh giành” nhưng không để lại di chúc. Tuy nhiên, mới đây cô chú tôi thoả thuận với nhau để chia căn nhà này, bất chấp sự phản đối của tôi. Vậy, tôi có quyền khởi kiện để lấy lại căn nhà như lời ông bà đã từng tuyên bố trước đây không?

- Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

Như vậy, anh thuộc hàng thừa kế thứ hai nên không có quyền hưởng phần di sản thừa kế của ông bà nội. Đồng thời, yêu cầu khởi kiện của anh không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của anh bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ nên anh không có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế của ông bà nội (Điều 649, 651 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC).

Đọc thêm