Cháu có quyền phân chia di sản của ông bà?

(PLVN) - Sau khi cha mẹ và bà nội lần lượt qua đời, người cháu đã bán căn nhà của bà nội rồi chia cho cô ruột 1 phần tiền. Việc người cháu tự phân chia di sản của bà nội như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?- Luật gia Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang sẽ có những phân tích cụ thể.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà H.T.B (72 tuổi, ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) có 03 anh chị em ruột. Cha bà B mất sớm nên mẹ bà sống với người anh trai thứ hai ở TP Rạch Giá, tại căn nhà mà cụ tạo dựng và đứng tên. Năm 2003, 2008 anh và chị của bà B. lần lượt qua đời. Mẹ của bà B. tiếp tục ở với cháu nội trên căn nhà đó đến năm 2018 thì mất. Sau khi cụ mất một thời gian, người cháu nội đứng ra bán căn nhà được 4,2 tỷ, cho cô B. 200 triệu, còn lại hưởng trọn 4 tỷ đồng. Bà B. muốn biết việc chia thừa kế được pháp luật quy định như thế nào? 

Theo Luật gia Bùi Đức Độ, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có 02 loại hình thừa kế gồm: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật để giải quyết những vấn đề phát sinh khi phân chia di sản thừa kế (DSTK). Di sản được chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Trường hợp thứ nhất, thừa kế theo pháp luật được áp dụng khi mẹ của bà B. không để lại di chúc, di chúc không hợp pháp, những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự hàng thừa kế. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Bà B. thuộc hàng thừa kế thứ nhất và hàng thừa kế này chỉ còn duy nhất là bà B; cháu nội, cháu ngoại của mẹ bà B (gọi bà B. bằng cô, dì) thuộc hàng thừa kế thứ hai.

Xét về hàng thừa kế thứ nhất thì cháu của bà B. không được hưởng, tuy nhiên do cha mẹ cháu đã chết trước bà nội nên cháu nhận thay phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống (còn gọi là thừa kế thế vị). Như vậy, căn nhà là DSTK được chia làm 03 phần, nếu chị của bà B. có con; trường hợp chị của bà B. không có con thì chia làm 02 phần. Khi làm 02 hay 03 phần thì bà B. đều được hưởng 01 phần. 

Trường hợp thứ hai, mẹ của bà Bảy có để lại di chúc hợp pháp cho cháu nội. Pháp luật quy định những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động (Điều 644 BLDS). Nếu bà B. nằm trong diện “không có khả năng lao động” thì được hưởng hai phần ba suất mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Nếu không nằm trong diện này thì cháu nội có toàn quyền hưởng DSTK theo di chúc. 

Để nhận được DSTK trong trường hợp chia theo pháp luật phải làm thủ tục phân chia DSTK, nhưng trước đó những người trong hàng thừa kế cần họp mặt lập văn bản thỏa thuận cử người quản lý di sản, phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, thanh toán các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế (nếu có). Trường hợp thừa kế theo di chúc, trước khi làm thủ tục khai nhận DSTK thì người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc.

Khai nhận, phân chia DSTK có ý nghĩa nhằm tránh việc bỏ sót người được hưởng DSTK nếu chia theo pháp luật, hoặc người được hưởng DSTK mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc…Nơi thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã trên cơ sở căn cứ vào đơn yêu cầu và hồ sơ xin khai nhận, phân chia DSTK để ra thông báo niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có bất động sản của người chết và nơi thường trú/tạm trú cuối cùng của người để lại di sản (bà nội). Sau thời gian niêm yết 15 ngày, nếu không có tranh chấp, khiếu nại gì, văn bản khai nhận, phân chia DSTK sẽ được công chứng/chứng thực và văn bản này sẽ là cơ sở để sang tên, chuyển quyền sở hữu tài sản. 

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 620 BLDS (từ chối nhận di sản) thì  Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.  Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.  Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản

Bà B. có thể đối chiếu với quy định pháp luật trên đây để tìm hiểu kỹ hơn về quyền lợi của mình.

Đọc thêm