Chị cả phản đối, em út có được nhận di sản thừa kế

(PLO) - Bà Nguyễn Thị Nhữ (Hải Dương) hỏi 3 chị em gái bà muốn làm thủ tục tặng di sản thừa kế của bố mẹ để lại cho em trai út trong khi chị gái lớn phản đối có được không?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhà tôi có 5 chị em, 4 gái, 1 trai. Năm 2005, bố tôi lâm bệnh nặng rồi mất mà không để lại di chúc. Năm 2014, mẹ tôi cũng “theo bố về hầu các cụ”. Mẹ mất quá đột ngột, chẳng kịp trăn trối điều gì với chị em tôi. Tuy nhiên, 4 chị em gái chúng tôi đều đã có gia đình riêng, chỉ có em út ở với bố mẹ nên chúng tôi thống nhất với nhau cho em út hưởng toàn bộ di sản thừa kế của cha mẹ. Thế nhưng mới đây, chị cả tôi lại phản đối.

Xin hỏi luật sư trong trường hợp này chúng tôi có được làm thủ tục tặng cho em út phần di sản thừa kế của mình không?

Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời:
Theo quy định của pháp luật thì chị em bà Nhữ hoàn toàn có quyền được tặng cho em út phần di sản thừa kế mà mình được hưởng. Tuy nhiên, để thực hiện được việc tặng cho trên các đồng thừa kế (chị em của bà Nhữ) phải tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với khối tài sản mà bố mẹ để lại.
Thứ nhất, thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Trong trường hợp chưa khai nhận di sản thừa kế, bà Nhữ và các chị em của bà nên tiến hành khai nhận di sản thừa kế và công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Văn phòng công chứng sẽ hướng dẫn cụ thể các loại giấy tờ cần chuẩn bị. Hồ sơ giấy tờ cơ bản cần chuẩn bị bao gồm:
+ Hồ sơ pháp lý các bên khai nhận di sản thừa kế:
- CMND hoặc hộ chiếu (bản chính kèm bản sao) của từng người;
- Hộ khẩu (bản chính kèm bản sao);
- Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (bản chính kèm bản sao);
- Hợp đồng ủy quyền (bản chính kèm bản sao), giấy ủy quyền (nếu xác lập giao dịch thông qua người đại diện);
- Giấy khai sinh, Giấy xác nhận con nuôi; bản án, sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác (bản chính kèm bản sao) chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế.
+ Hồ sơ pháp lý của người đề lại di sản thừa kế:
- Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản, giấy báo tử, bản án tuyên bố đã chết (bản chính kèm bản sao);
- Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (bản chính kèm bản sao);
+ Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế. Ở đây di sản thừa kế là bất động sản sẽ bao gồm:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất, các loại giấy tờ khác về nhà ở (bản chính kèm bản sao); Văn tự bán nhà được UBND chứng nhận (nếu có); Biên lai thu thuế nhà đất (nếu có);
- Giấy phép xây dựng (nếu có);
- Biên bản kiểm tra công trình hoàn thành (nếu có);
- Bản vẽ do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện, đã được UBND hoặc Phòng Tài nguyên và môi trường xác nhận kiểm tra nội nghiệp, quy hoạch (nếu có);
Thứ hai, tặng cho phần di sản mà mình được hưởng cho người khác.
Sau khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế và có văn bản khai nhận di sản thừa kế của người chết để lại, các đồng thừa kế sẽ tiến hành lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế để xác lập quyền của mỗi người đối với khối di sản thừa kế do bố mẹ để lại 
Trong trường hợp này nếu chị em bà Nhữ muốn để lại phần di sản mà mình được hưởng cho người em út thì có thể thỏa thuận ngay tại nội dung của Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Như vậy, người em út sẽ được hưởng phần di sản do 03 chị gái cho tặng và người chị cả sẽ vẫn được hưởng 01 phần trong khối tài sản chung.
Vì di sản là bất động sản nên sau khi có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được công chứng thì có thể thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng tài nguyên môi trường cấp huyện nơi có đất./.

Đọc thêm