Chính sách tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số: Có nên thiết kế theo đặc thù vùng miền?

(PLO) - Trong các giải pháp nhằm tăng hiệu quả việc sử dụng vốn chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số, một nội dung được nhiều người đề cập là thiết kế các chính sách theo đặc thù vùng miền. Trong bối cảnh hiện nay, có thể thực hiện giải pháp đó như thế nào?   
Nhờ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, gia đình ông Lâm Lon (dân  tộc Khơ - me, ở ấp 5, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, Bình Phước) có điều kiện mua bò sinh sản, gia đình có việc làm (ảnh: Trần Việt)
Nhờ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, gia đình ông Lâm Lon (dân tộc Khơ - me, ở ấp 5, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, Bình Phước) có điều kiện mua bò sinh sản, gia đình có việc làm (ảnh: Trần Việt)

Chính sách áp dụng chung cho tất cả các vùng miền có còn phù hợp?

Khẳng định chính sách tín dụng chính là một phương thức để đưa “cần câu” cho bà con các dân tộc thiểu số (DTTS), ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội – nhận định, với tinh thần đó, giai đoạn vừa qua chúng ta đã có bước phát triển rất mạnh trong chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là liên quan đến đồng bào nghèo, với tới 20 chính sách mà đồng bào DTTS và đồng bào nghèo có thể thực hiện được. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng: “bên cạnh những mặt tích cực thì cũng còn những thách thức đang đặt ra. Thứ nhất, hiện nay là số lượng chính sách khá nhiều, riêng đồng bào dân tộc có đến 10 chính sách liên quan, chưa kể các chính sách gián tiếp. Điều này làm chính sách bị phân tán, nguồn lực định mức thấp đi và chúng ta phải xem xét cơ cấu lại. Thứ hai, hiện nay chính sách chúng ta đang áp dụng chung cho tất cả các vùng miền, tôi nghĩ không phù hợp. Đồng bằng sông Cửu Long có đặc thù khác, Tây Nguyên có đặc thù khác, miền núi phía Bắc có đặc thù khác, trong khi chính sách phải hướng tới thúc đẩy sản xuất và sinh kế và cải thiện điều kiện sống của người dân. Bởi vậy, chúng ta cần có cách xử lý cho từng vùng miền khác nhau”. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi đề nghị, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững, đề nghị không xây dựng chính sách “đi hàng ngang” mà phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phân vùng, phân loại để xử lý vấn đề nghèo đói. “Đất nước muốn giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ đói thì dứt khoát phải tập trung trọng điểm vào đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giởi hải đảo. Đây là yếu tố quan trọng” – ông Lợi khẳng định. 

Tán thành với quan điểm trên, ông Bùi Văn Lịch - Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc (Ủy ban Dân tộc) – cũng cho rằng, chính sách chưa tính tới yếu tố vùng miền, cơ cấu vùng miền. Vùng miền nào có thể tiếp cận với sản xuất hàng hóa và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nhất định thì cần rõ ràng mức, cơ chế cũng phải khác, nếu cào bằng thì hiệu quả chỉ có mức độ…

Tìm một giải pháp khả thi

“Cơ chế chính sách không bao giờ cố định, bao giờ nó cũng biến động khi kinh tế - xã hội thay đổi, điều kiện thay đổi, nguồn lực thay đổi. Vì vậy tôi cho rằng, đầu tiên chúng ta phải thay đổi cơ chế chính sách theo từng thời kỳ, từng đặc điểm của vùng miền” – ông Bùi Sĩ Lợi nói.

Trước quan điểm được các đại biểu Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước nêu ra trong Toạ đàm “Vốn cho đồng bào DTTS - Thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo miền núi và đồng bằng”, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho rằng, từ thực tiễn hoạt động tín dụng chính sách, có thể thấy, chính sách tín dụng cho riêng vùng miền là khó khăn. 

“Nếu cho rằng vùng DTTS ở Tây Nguyên đầu tư cây công nghiệp cần vốn nhiều thì ở vùng Tây Bắc, vùng ven biển cũng cần vốn. Chính phủ đang thiết kế theo hướng, vốn chính sách của Chính phủ là để thực hiện những chính sách chung, còn vốn để đầu tư đặc thù cho các vùng đặc biệt thì do địa phương thu xếp. Ngân sách địa phương đang chuyển sang NHCSXH để cho vay khoảng 10.800 tỷ đồng” – ông Nguyễn Văn Lý nói. 

Ông Nguyễn Văn Lý cũng cho biết, hiện NHCSXH đang xây dựng mô hình vay vốn tập trung một mối vào Chủ tịch UBND xã – cũng là thành viên Ban đại diện NHCSXH tại địa phương. Toàn bộ vốn đưa về xã, Chủ tịch UBND xã điều phối vay, hộ nào vay trước, hộ nào vay sau, vay sản xuất cây, con gì thì được, kết hợp trong việc xây dựng nông thôn mới… Trong xây dựng nông thôn mới, đang thực hiện xây dựng hợp phần chuyển giao khoa học kỹ thuật và định hướng tiêu thụ sản phẩm. NHCSXH gắn vốn này với xây dựng nông thôn mới thì độ an toàn cao hơn, tất cả tập trung vào vai trò của Chủ tịch UBND xã.

Những thông điệp dưới góc nhìn của các nhà lập pháp, nhà quản lý giúp làm rõ hơn các giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn và sử dụng vốn cho hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào DTTS, từ đó góp phần hoàn thiện chính sách về tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo và phát triển vùng đồng bào DTTS.

Đọc thêm