Chính sách tốt chưa đủ…

(PLO) - Năm 2016, tin TP Hà Nội giao xã hội hóa 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) đem đến niềm vui cho nhiều người. Nhưng thông tin cho thấy, đến nay mới chỉ 55 NVSCC được lắp đặt nhưng chưa đi vào sử dụng. Có 2 điểm đang hoạt động thí điểm tại phố Trần Nhân Tông (trước cửa Công viên Thống Nhất) và Vườn hoa Yersin (phố Lê Thánh Tông). Tuy nhiên, hiện NVSCC tại vườn hoa Yersin thì trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Đám đông chủ và chó tụ tập “giao lưu” tại phố đi bộ Hà Nội chiều chủ nhật 19/2.
Đám đông chủ và chó tụ tập “giao lưu” tại phố đi bộ Hà Nội chiều chủ nhật 19/2.

Lý giải việc tiến độ xây dựng và khai thác NVSCC chậm, lãnh đạo Công ty CP Truyền thông Vinasing (đơn vị được UBND TP Hà Nội đồng ý triển khai dự án đầu tư 1.000 NVSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng để phục vụ cộng đồng; ngược lại, doanh nghiệp được khai thác quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn Hà Nội trong thời gian 10 năm) cho biết, mặc dù được giải thích là NVSCC hiện đại, không gây mùi nhưng nhiều người dân vẫn kiên quyết phản đối xây NVSCC gần nhà họ.

Theo lãnh đạo Công ty, ở đây có trách nhiệm của các phường, xã, nhiều địa phương không nắm được vị trí cụ thể lắp đặt NVSCC, không tuyên truyền, nên gây ra phản ứng từ phía người dân.  Nhưng theo phản ánh của một số người dân, việc bố trí NVSCC cũng có nhiều điều bất hợp lý, vì nơi thì quá dày (trước đó đã có NVSCC đang hoạt động), nơi lại vắng bóng.

Một câu chuyện khác, UBND quận Hoàn Kiếm, sau khi thành phố có yêu cầu người dân phải thực hiện nghiêm quy định mang chó đến nơi công cộng là phải rọ mõm, đã  yêu cầu lực lượng ở các chốt trực ra vào phố đi bộ tuyên truyền cho người dân biết chủ trương đưa chó vào phố đi bộ phải rọ mõm. Nếu như người dân vẫn mang chó không rọ mõm đến phố đi bộ quanh Hồ Gươm và phụ cận thì lực lượng công an, tự quản và lực lượng thú y sẽ kiên quyết không cho vào. 

Những ngày đầu đối phó với lệnh cấm này, người dân không dám dắt chó to lên phố đi bộ nữa hoặc đưa đi là có rọ mõm cẩn thận. Một số người ỷ mình nuôi giống chó bé có thể bỏ túi nên đã nhét chó vào túi áo, túi xách để qua mắt lực lượng chức năng, nhưng không nhiều. Qua một thời gian, lệnh cấm này được làm nghiêm thì cho đến nay, có vẻ như đang bị “thoái trào”. Cụ thể, chiều chủ nhật 19/2, PV đã chứng kiến rất nhiều chó có mặt trên phố đi bộ không rọ mõm.

Theo biện bạch của những chủ chó thì chó của họ thuộc giống nhỏ, chó cảnh lành, không nguy hiểm, nhưng với nhiều người, nhìn những con chó trên dưới chục cân chạy lăng quăng cũng thấy không an tâm, nhất là với trẻ con. Điều đáng nói là cảnh chó không rọ mõm có mặt ở phố đi bộ, thậm chí tụ tập một nhóm để chủ và chó “giao lưu” diễn ra trước mặt các lực lượng tự quản, nhưng họ không có ý kiến gì.

Hai câu chuyện trên đây cho thấy một chính sách tốt vì lợi ích số đông là rất cần thiết, nhưng cần thiết hơn nữa nếu khâu thực hiện và tuyên truyền được thực hiện triệt để và liên tục.

Đọc thêm