Cho vay tiền như thế nào thì bị coi là cho vay nặng lãi?

(PLO) - Tôi đang có dự định cho một người vay tiền. Tuy nhiên, tôi được cảnh báo rằng phải cẩn thận tới mức lãi suất để tránh phạm tội cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật hình sự. Vậy, tôi muốn hỏi, việc cho vay đến mức như thế nào sẽ bị khép vào tội cho vay nặng lãi. (Bạn Gia Hải – Yên Bái hỏi).


Cho vay tiền như thế nào thì bị coi là cho vay nặng lãi?

Trả lời:

Bộ luật Dân sự đã có một chương riêng quy định về hợp đồng cho vay tài sản để các bên trong hợp đồng tuân theo. Đối với vấn đề về lãi suất, theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì mức lãi suất trong giao dịch cho vay tài sản phải tuân thủ như sau:

Hai bên có thể thỏa thuận về mức lãi suất cho vay

Lãi suất không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp vượt quá mức lãi suất này thì phần lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Như vậy, khi cho vay tiền, bạn không được quy định mức lãi suất quá 20%/ năm đối với khoản tiền cho vay

Xử phạt vi phạm trong trường hợp vượt quá mức lãi suất

Khi vi phạm quy định về mức lãi suất nêu trên của Luật Dân sự, một mặt phần lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực pháp luật, mặt khác người vi phạm còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

A.  Đối với xử phạt vi phạm hành chính:

Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành theo căn cứ tại điểm d, khoản 3, điều 11 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó “Xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”

Quy định này thực hiện theo Luật dân sự năm 2005 đã hết hiệu lực nên việc tính lãi suất cho vay để xử phạt khác với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên, nhìn chung việc cho vay vượt quá lãi suất quy định của Bộ luật dân sự thì người cho vay sẽ bị xử phạt hành chính như trên.

B.   Đối với truy cứu trách nhiệm hình sự:

Cũng là việc cho vay tiền vượt quá mức lãi suất được quy định, tuy nhiên hành vi này trở nên nghiêm trọng, bóc lột và gây ra hậu quả lớn và thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của Cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo “Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” tại Điều 201, Bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể như sau: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Như vậy, chiếu theo quy định của Bộ luật dân sự thì việc cho vay với lãi suất trên 100%/ năm đối với khoản cho vay và thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính, kết án đối với hành vi cho vay nặng lãi mà còn vi phạm thì đã thỏa mãn “Tội cho vay nặng lãi” theo quy định của pháp luật

Đọc thêm