Chồng không đồng ý cho vợ tách khẩu sau khi ly hôn - giải quyết thế nào?

(PLO) - Sau khi ly hôn, người vợ muốn làm thủ tục tách khẩu nhưng không làm được vì gia đình nhà chồng gây khó khăn. Trường hợp này, hiện nay vẫn chưa quy định cụ thể để tháo gỡ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chồng không hợp tác, vợ không có “đường lui”?

Có nhiều trường hợp người chồng không muốn ly hôn nhưng người vợ vẫn khởi kiện và được Tòa chấp thuận cho ly hôn. Có thể do bực tức khi phải chấm dứt quan hệ vợ chồng ngoài mong muốn nên người chồng đã gây khó khăn để “trả thù” người vợ, cố gây khó dễ khi người vợ làm thủ tục tách hộ khẩu khỏi gia đình nhà chồng cũ. 

Ví dụ, chị A và anh B đã ly hôn được một năm nhưng đến nay chị A vẫn không thể chuyển hộ khẩu về bên gia đình bố mẹ đẻ vì anh B không cho mượn sổ hộ khẩu, cũng như không chịu kí vào bất kì giấy tờ gì để chị A làm thủ tục tách khẩu.

Trong trường hợp nêu trên, liệu chị A có thể tách khẩu bên nhà chồng được hay không? 

Về vấn đề này, Luật sư Trịnh Ngọc Thành (Công ty Luật Dân Quyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2006 (được sửa đổi bổ sung năm 2013) quy định về tách sổ hộ khẩu: “Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm: a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu; b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản”.

Như vậy, điều kiện để được tách sổ hộ khẩu cần phải đảm bảo cả 2 quy định trên, tức là người muốn tách sổ hộ khẩu phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có nhu cầu tách sổ hộ khẩu và được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản. Vậy, nếu chủ hộ (anh chồng trong ví dụ trên) không đồng ý cho chị vợ tách sổ hộ khẩu thì chị vợ sẽ không tách được hộ khẩu? Đây là tình huống phát sinh không ít trong thực tế.

Có thể người vợ sẽ đăng ký thường trú tại nơi cư trú mới, sau đó tiến hành xóa đăng ký thường trú tại hộ khẩu nhà chồng theo điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú. Tuy nhiên, người vợ vẫn bắt buộc phải có sổ hộ khẩu mới làm được thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu theo Điều 28 Luật Cư trú. Nếu người chồng không cho mượn sổ hộ khẩu thì người vợ cũng “bó tay”.

Bất cập cần nhanh chóng bổ sung, sửa đổi

Trường hợp khác, người vợ có thể làm đơn đề nghị đến cơ quan công an cấp  huyện nơi người chồng cư trú để trình bày về vấn đề này và đề nghị cơ quan có thẩm quyền can thiệp để người chồng đồng ý cho tách khẩu. Nếu đã có sự can thiệp của công an rồi nhưng người chồng vẫn cố tình không chịu hợp tác thì người chồng cùng lắm cũng chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt  vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú. 

Người chồng bị xử phạt hành chính, thế nhưng người vợ cuối cùng vẫn không làm được thủ tục tách khẩu. Trong khi đó, căn cứ theo khoản 8 Điều 10 Thông tư số 35/2014/TT- BCA quy định rõ:” Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Nếu dựa vào điều khoản này pháp luật quy định thì chủ hộ (người chồng) sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, thế nhưng mức độ xử lý vi phạm chỉ dừng lại ở “xử phạt hành chính” chứ không có một quy định nào hay một chế tài nào để khắc phục tình trạng này. 

Trường hợp nêu trên, nếu cơ quan công an “linh động”, thông cảm, tạo điều kiện thì có thể chấp nhận cho người vợ chuyển khẩu mà không cần sự đồng ý hoặc sổ hộ khẩu gốc của người chồng.

Nếu cơ quan công an không “linh động” thì người vợ buộc phải tiếp tục khởi kiện người chồng ra Tòa án bằng một vụ án khác để yêu cầu cho mượn sổ hộ khẩu, tạo điều kiện cho mình tách khẩu.

“Đây là sự bất cập mà pháp luật cần phải bổ sung, sửa đổi. Thiết nghĩ, trong trường hợp nêu trên, không nhất thiết phải có sự chấp thuận của người chồng (chủ hộ) về việc cho người vợ tách khẩu. Việc tách khẩu là quyền đương nhiên của người vợ. Do đó, chúng tôi đề nghị sửa đổi quy định buộc phải có sự đồng ý của chủ hộ mới được tách khẩu. Đề nghị Bộ Công an trong thẩm quyền của mình có hướng dẫn sửa đổi quy định nêu trên” – Luật sư Trịnh Ngọc Thành nói./.

Đọc thêm