Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, quyền lợi của người lao động tính sao?

(PLO) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo đảm quyền lợi của người lao động (NLĐ), theo đó, quy định rõ quá trình đôn đốc và xử lý DN chậm nộp, chây ì, trốn đóng bảo hiểm. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quyền lợi của nhiều NLĐ chưa được đảm bảo

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam thì hiện nay tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội có giảm nhưng vẫn diễn ra ở nhiều DN, nhiều địa phương và tỷ lệ nợ vẫn còn cao. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN tính đến tháng 12/2016 là 7.795 tỷ đồng, chiếm 3,3% so với số phải thu. 

Trong tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 9.920  tỷ đồng (tính đến hết năm 2015) có 220,5 tỷ đồng tiền nợ của một số DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn. Cụ thể, có 1.676 DN bị phá sản, giải thể, rút giấy phép kinh doanh với 7,8 nghìn lao động, nợ số tiền là 79,5 tỷ đồng. 

Có 1.931 DN trong nước không còn hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa điểm đăng ký (DN mất tích) với 1,4 nghìn lao động nợ số tiền là 89,5 tỷ đồng. Có 106 DN chủ nước ngoài bỏ trốn với 4 nghìn lao động, nợ số tiền là 51,5 tỷ đồng. 

Trước thực trạng nhiều DN gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế và NLĐ không đủ điều kiện hưởng BHTN bị mất việc làm trong DN có chủ bỏ trốn. Theo đó, đã tạo điều kiện hỗ trợ các DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế được vay không lãi suất để thành toán nợ tiền lương, đóng BHXH và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc phải trả co NLĐ bị mất việc làm; cho phép các địa phương ứng ngân sách để trả cho NLĐ có tên trong danh sách trả lương của DN có chủ bỏ trốn khoản tiền lương mà DN còn nợ NLĐ.

Đặc biệt, khoản 3 Điều 18  Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ đã cho phép các DN đang gặp khó khăn nợ tiền đóng BHXH được đóng riêng cho từng NLĐ để kịp thời giải quyết quyền lợi cho NLĐ như giải quyết cho NLĐ đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất) hoặc chốt sổ BHXH cho NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời được giải quyết chế độ BHTN hoặc tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị, DN mới. 

Chủ DN bỏ trốn, quyền lợi của NLĐ tính sao?

Quy định pháp luật hiện hành đã cho phép các DN đang còn hoạt động nợ tiền đóng BHXH có thể giải quyết quyền lợi cho những NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc thôi việc chuyển đơn vị, DN khác; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN khi DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH đối với NLĐ trong các đơn vị, DN này.   

Điều 5 dự thảo Nghị định phân loại, nợ bảo hiểm khó thu, gồm các trường hợp: Đơn vị mất tích; Đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành; Đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; Đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; Đơn vị nợ đang trong thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đơn vị được cấp có thẩm quyền cho khoanh nợ.c

Đối với đơn vị mất tích, đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành và đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH của NLĐ đến thời điểm đơn vị đã đóng BHXH, BHTN.

Trường hợp thu hồi được khoản nợ khi thực hiện thanh lý tài sản của đơn vị thì cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH của NLĐ.

Đối với đơn vị nợ đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH đến thời điểm NLĐ nghỉ việc tại đơn vị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động để làm cơ sở giải quyết quyền lợi về BHXH, BHTN đối với NLĐ. 

Đọc thêm