Chủ hai nhà bị sập ở Sài Gòn sẽ được bồi thường thế nào

(PLO) - Đơn vị thi công và chủ sở hữu nhà 43-45 phải liên đới bồi thường cho hai căn nhà bị sập và những căn khác bị ảnh hưởng.
Căn nhà ba tầng đổ sụp trong đêm đè bẹp nhà hàng xóm. Ảnh:Quốc Thắng.
Căn nhà ba tầng đổ sụp trong đêm đè bẹp nhà hàng xóm. Ảnh:Quốc Thắng.

Trong báo cáo gửi UBND TP HCM về nhà số 41 và 47 đường Tân Sơn Hòa (phường 2, quận Tân Bình) bị sập ba hôm trước, Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân là nhà số 43-45 thi công đào móng xây dựng.

Công trình này được cấp phép xây 6 tầng, đã đổ xong bêtông phần lót móng. Đơn vị thi công dùng máy đào toàn bộ diện tích nền đất, sâu hơn móng căn số 41 bên phải khiến nó mất ổn định, đổ sập về phía công trình đang thi công.

Do nhà 41 có ba tầng, khi đổ đã chồm qua căn số 47 khiến nhà này sập theo, phần vách căn bên cạnh cũng bị hư hỏng.

Trung tâm quản lý nhà và giám định đang phối hợp với UBND phường 2 (quận Tân Bình) khảo sát mức độ ảnh hưởng của các căn nhà tiếp giáp khu vực bị sập để có biện pháp xử lý.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Giám đốc Công ty Đông Phương Luật), sự cố xuất phát từ việc xây nhà 43-45 thì chủ sở hữu, người quản lý sử dụng... không thể loại trừ trách nhiệm bồi thường, theo Điều 605 Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp, người thi công có lỗi thì phải liên đới với chủ nhà để bồi thường cho bị hại.

Như vậy, chủ nhà 41 có thể đồng thời yêu cầu chủ nhà, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng căn nhà 43-45 cùng đơn vị thi công bồi thường thiệt hại.

Đối với căn 47 bị thiệt hại do nhà 41 đè lên, cần xét về mối quan hệ nhân quả. Ở đây, nhà 41 không phải là bên gây thiệt hại nên không thể buộc chủ nhà này cùng công trình thi công phải liên đới bồi thường. Mà chủ nhà 47 có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại như nhà 41.

Luật sư Lê Văn Dũng (Giám đốc Công ty Luật Sài Gòn Việt Luật) cho biết thêm, theo quy định của Luật Xây dựng, công trình xây dựng phải đảm bảo an toàn khi thi công và cho các công trình lân cận.

Trong trường hợp, công trình xây làm thiệt hại về tài sản của những hộ dân sống xung quanh do việc xây dựng không đảm bảo an toàn thì chủ công trình phải có trách nhiệm bồi thường.

Người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường do tài sản bị hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút và các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

"Việc bồi thường thiệt hại sẽ thực hiện theo nguyên tắc các bên tự thỏa thuận. Nếu không, bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật", luật sư Dũng phân tích.

Liên quan việc xử lý các công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng, theo luật sư Công, Nghị định 180/2007 của Chính phủ về xử lý vi phạm trật tự đô thị còn quy định, trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công để thực hiện bồi thường. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công khi các bên đạt được thỏa thuận.

Sự cố xảy ra khuya 2/9 khiến nhà 41 sập hoàn, căn 47 hư hỏng nặng, gây chấn động khu vực và làm người dân hoảng loạn.

Chủ nhà 41 phát hiện nhà bị nghiêng nứt trước đó vài giờ nên đã cùng người thân di dời. Hai người đàn ông Hàn Quốc sống trong nhà 47 cũng được hàng xóm đưa ra ngoài kịp thời.

Bước đầu, chủ nhà 43-45 nhận trách nhiệm bồi thường.

Đọc thêm