Chủ tịch phường không tổ chức hòa giải đối với tranh chấp đất đai: Có kiện được không?

(PLO) - Khi đưa vụ kiện tranh chấp đất đai ra Tòa, Tòa đề nghị người dân cung cấp Biên bản hòa giải cơ sở,  nhưng khi người dân về UBND phường đề nghị hòa giải năm lần bảy lượt, phường vẫn không thực hiện tổ chức hòa giải. Khi đó, người dân phải làm sao?.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tòa chờ biên bản, phường vẫn không chịu thực hiện hòa giải ở cơ sở

Phản ánh đến Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Thanh Phong (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, năm 1960, bà mua của ông Trần Văn Thí 01 căn nhà lá ba gian cùng thửa đất gắn liền có diện tích là 240m2. Việc mua bán được thành lập văn bản có chữ ký của hai bên. Đến năm 1982, bà Phong cho bà Phạm Thị Vinh làm nhà nhờ trên đất của bà. Việc cho mượn đất làm nhà hai bên chỉ nói miệng với nhau mà không có giấy tờ gì. Năm 1985, bà Phạm Thị Vinh bắt đầu lấn chiếm đất đồng thời có quan hệ bất chính với chồng bà Phong là ông Trần An, dẫn đến việc năm 1988 bà Phong và ông An ra tòa ly hôn.

Ngày 18/5/1988, TAND huyện Từ Liêm có Bản án số 17/DSTT xét xử sơ thẩm ly hôn. Tại bản án, ông An được chia một nửa căn nhà 3 gian về phía tây, giáp nhà bà Vinh, còn bà Phong được chia một nửa căn nhà ba gian về phía đông, giáp nhà bà Chắt. Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông An đã bỏ đi nơi khác và không tiến hành yêu cầu thi hành án, phân mốc giới.

Năm 1999, ông Trần An quay trở về, đòi thi hành bản án về chia nhà ở. Tuy nhiên, vì quá thời hạn theo luật định nên Chi cục Thi hành án quận Thanh Xuân đã trả lời là hết thời hiệu thi hành. Do không được cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục chia đất, ông Trần An cùng bà Phạm Thị Vinh đã tự ý phá cổng ngõ 2 lần, chặt cây cối và xây dựng nhà cấp 4 cho thuê. Theo bà Phong, diện tích đất của bà bị lấn chiếm là 170m2.

Do đó, 2 bên xảy ra tranh chấp, bà Phong tiếp tục có đơn gửi lên Tòa án. Theo đó, căn cứ quy định, TAND quận Thanh Xuân yêu cầu bà cung cấp một số tài liệu chứng cứ bổ sung. Trong đó, TAND yêu cầu bà Phong cung cấp biên bản hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai giữa bà và bà Phạm Thị Vinh tại UBND phường theo quy định của Luật Đất đai.

Theo đó, bà Phong đã có đơn yêu cầu UBND phường tiến hành tổ chức hòa giải đối với tranh chấp đất đai tại số nhà 19, ngõ 14 phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội để bà có biên bản hòa giải nộp lên Tòa án theo yêu cầu. “Tuy nhiên, sau khi nhận được đơn của tôi, đến nay UBND phường vẫn không tiến hành hòa giải, mặc dù tôi đã năm lần bảy lượt lên phường” – bà Phong cho biết – “Giờ Tòa bảo phải có biên bản hòa giải cơ sở mới đủ điều kiện, còn phường không chịu hòa giải, tôi không biết phải làm sao”…

Không tổ chức hòa giải, Chủ tịch UBND phường có thể bị kiện

Tình huống của bà Phong tương tự một nội dung mà mới đây TANDTC có giải đáp tại Văn bản số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018 giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính. Theo đó, trước thực tiễn xét xử, nhiều thẩm phán bày tỏ thắc mắc: “Chủ tịch UBND cấp xã không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai, nên các bên tranh chấp không thực hiện được việc khởi kiện tại Tòa án. Vậy, hành vi không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã có phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính không?”.

TANDTC giải thích, theo quy định tại khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm  tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính thì hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Hành vi hành chính bị kiện là hành vi nêu trên mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Từ đó, TANDTC kết luận, theo các quy định nêu trên thì hành vi không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Đối với những người dân đang bị “kẹt” giữa quy định về thủ tục khởi kiện và thái độ làm việc của cơ quan nhà nước cấp xã như bà Phong, giải đáp của TANDTC có thể được coi là “giải pháp” để tháo gỡ tình huống cụ thể của mình. Đây còn là cảnh báo đối với những lãnh đạo UBND cấp xã còn chưa quan tâm thực hiện hết chức trách theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm